Chiều 28/1, tại Hà Nội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế; Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình chào xuân, Hội thảo “Mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững”.
PGS.TS Đặng Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo.
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế; Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam khẳng định: Hội thảo đươc tổ chức trong bối cảnh năm 2017 đất nước ta đạt đươc nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc về thủ tục.
Hội thảo lần này được tổ chức với sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, các nhà làm chính sách, chuyên gia kinh tế hàng đầu và đặc biệt là hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Tất cả sẽ cùng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, thác thức, thời cơ… đồng thời tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để kinh tế năm 2018 sẽ có thể có những thành công tốt đẹp.
Chia sẻ về những "nút thắt" cần tháo gỡ trong năm 2018, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh: "Trong năm 2018, Bộ Tài chính sẽ sửa để trình cho Quốc hội cùng lúc 6 luật về thuế và luật về quản lý thuế. Đây là một chủ trương rất đúng bởi Nhà nước đang có chủ trương tạo mọi điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp phát triển, bởi vậy việc sửa 6 luật thuế này tập trung vào không chỉ vấn đề liên quan đến thuế suất, mà quan trọng hơn là vấn đề đối tượng chịu thuế và mức chịu thuế. Luật quản lý thuế chủ trương sửa theo hướng đơn giản hoá các thủ tục nộp thuế cũng như các thủ tục tính thuế, kê khai, quyết toàn thuế cho doanh nghiệp. Đây là chủ trương rất tốt.
Tuy nhiên, cũng có những vấn đề ần phải bàn, trong những vấn đề thuế có 3 vấn đề quan trọng: Đối tượng nộp thuế (phạm vi tính thuế, chịu thuế, mức thuế và thuế suất). Trong quá trình sửa thuế ấy, riêng về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước có chủ trương rất rõ ràng là giảm bớt thuế suất, tạo điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh phát trỉển. Thuế giá trị gia tăng có thể có sự điều chỉnh về một mức thuế hoặc có thể điều chỉnh tăng một chút; thuế doanh nghiệp Nhà nước có chủ trương tiếp tục giảm sâu hơn, trước đây thuế suất của chúng ta là 32%, sau đó điều chỉnh giảm xuống lần lượt 28%, 25%, hiện tại là 23% và tới đây có thể giảm xuống 20%. Riêng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động ở vùng khó khăn, Nhà nước có thể giảm xuống 15-17% và có lẽ có xu hướng phần lớn sẽ giảm xuống 15%...
Còn riêng về thuế tiêu thụ đặc biệt thì hiện nay còn nhiều ý kiến và đang xin ý kiến thêm các doanh nghiệp, chuyên gia trong cả nước vì nó tác động mạnh mẽ không chỉ tới các DN, mà tới toàn xã hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những sắc thuế rất cần thiết của Nhà nước, bởi nó không chỉ có nhiệm vụ tăng ngân sách Nhà nước, mà quan trọng hơn là định hướng, hướng dẫn tiêu dùng xã hội, hướng dẫn sản xuất kinh doanh. Thuế không chỉ với mục đích là nguồn thu của ngân sách Nhà nước, mà quan trọng hơn là công cụ điều tiết mang tính vĩ mô của nền kinh tế, vì vậy việc điều chỉnh một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tính toán, cân nhắc.
Tôi lấy ví dụ, hiện nay chúng ta đang đưa những mặt hàng như cà phê, chè, nuớc ngọt… vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; tất nhiên với lý giải, thuyết minh của Bộ Tài Chính cho rằng với những mặt hàng này cần định hướng người tiêu dùng, bởi trong chừng mực nhất định nó có tác động tới sức khoẻ người tiêu dùng, tác động tới xã hội nói chung, nhưng theo tôi cần tính toán cho kỹ.
Thứ nhất, ở Việt Nam mặt hàng này khi điều chỉnh hoặc đưa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải xem xét nó ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp, vì nói cho cùng, các doanh nghiệp của ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, mà đã chế biến thì nguồn nguyên liệu chủ yếu là trong nền kinh tế của chúng ta, xuất phát từ nông dân. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giúp tăng chút ít nguồn thu ngân sách, có tác dụng điều chỉnh tiêu dùng xã hội vì nó tác động đến sức khoẻ và xu hướng tiêu dùng, nhưng đồng thời phải tính là ở Việt Nam, những điều đó đã thật sự cần chưa?
Vấn đề thứ hai, đối tượng tiêu dùng các mặt hàng đó ở Việt Nam mang tính phổ biến rộng rãi, ví như nước ngọt là tiêu thụ chủ yếu ở tầng lớp nhân dân lao động, có thu nhập không cao. Chè, cà phê cũng vậy, chúng ta có nguồn nguyên liệu chè, cà phê lớn; vậy nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ tác động đến người sản xuất thế nào? Cần phải tính toán kỹ trước khi đưa ra quyết định về vấn đề này”.
Chia sẻ về "cơ hội và thách thức" của năm 2018 với sự phát triển kinh tế, ông Adam Sitkoff, đại diện Amcham khẳng định: "Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài thì có hai luồng ý kiến. Với các nhà đầu tư đang tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, họ đánh giá đây là quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp, tiền tệ ổn định, tăng trưởng xuất khẩu tốt, vì vậy đây là một thị trường hấp dẫn hơn các nước khác trong ASEAN. Còn với các nhà đầu tư đã có hoạt động ở Việt Nam thì họ nhìn nhận ở đây có nhiều quy định pháp luật, luật lệ, nghị định thường xuyên điều chỉnh, thay đổi, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ như trng lĩnh vực ô tô, hay dự thảo Luật An ninh Mạng, hoặc những thay đổi về thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt… Tất cả những điều này đều ảnh hưởng tới những nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và khiến cho việc kinh doanh khó khăn hơn. Thành viên của chúng tôi có những DN đã hoạt động ở VN 20 năm rồi và đang đứng trước băn khoăn là có nên tiếp tục hoạt động hay không? Nên trong năm 2018, chúng tôi kiến nghị Việt Nam cần xây dựng những quy định, luật lệ “thông minh”, tương thích, phù hợp với các thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doah ở Viêt Nam ngày càng dễ dàng hơn, giải quyết được nhữgn sự thiếu nhất quán trong quy định pháp luật".
Ông Adam Sitkoff phân tích rõ: "Có rất nhiều doanh nghiệp, thành viên trong cộng đồng đều hiểu sự cần thiết phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên chúng tôi muốn nhấn mạnh tính công bằng của việc áp dụng thuế này. Tôi lấy ví dụ từ bản thân mình, như trưa nay tôi ăn bún chả, trong nước chấm bún chả cũng có đường; rồi ăn bánh chuối cũng rất nhiều đường và không tốt cho sức khoẻ, có thể gây béo phì; sau đó tôi khát nước và uống trà chanh; những thực phẩm này cũng không tốt cho sức khoẻ nhưng cũng không bị xét vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Về sức khoẻ, các bác sĩ, chuyên gia, nhà khoa học có thể đưa cho người tiêu dùng rất nhiều lời khuyên làm thế nào có chế độ ăn và lối sống lành mạnh, cân bằng. Còn vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải công bằng với các loại thực phẩm, Tết sắp đến ta cũng có món mứt truyền thống của Việt Nam, có rất nhiều đường, nhưng cũng không ai đánh thuế mứt vì lý do này cả, nên theo tôi không nên chỉ chọn ra một số loại thực phẩm để đánh thuế mà cần phải xem xét đánh thuế một cách công bằng".
Theo BTC Hội thảo, năm 2017 Việt Nam tham gia và làm chủ nhà của Tuần lễ cấp cao APEC trong bối cảnh chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều thay đổi và biến động ở nhiều tầng nấc, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức cũng như cơ hội phát triển.
Trong nước, Chính phủ đang có những cải cách mạnh mẽ về chính sách dành cho doanh nghiệp, củng cố niềm tin xây dựng chính phủ liêm chính, hành động. Tuy vậy, hoạt động kinh doanh, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn bởi những vấn đề nội tại của doanh nghiệp: Chưa kịp đổi mới quản trị, chưa bắt kịp xu thế công nghệ, những rào cản đến từ tồn tại, hạn chế của chính sách…
Với những tham luận, ý kiến đóng góp trong hội thảo lần này; sẽ góp phần tham mưu, tư vấn kịp thời cho doanh nghiệp trong hoạt động định hướng kinh doanh, sản xuất; đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; góp phần tạo nên sức tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.