Kinh tế 2017 đạt nhiều kỳ tích, thể hiện qua những con số như thế nào?

Các chỉ tiêu kinh tế năm 2017 đều vượt kế hoạch, lạm phát được kiểm soát tốt. Đó là cơ sở để Chính phủ đặt mục tiêu cho nền kinh tế năm 2018.

Lãnh đạo Sở Du lịch tặng hoa chúc mừng các du khách đến tham quan Đà Nẵng trong dịp đầu Năm mới 2018. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, kinh tế - xã hội năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xác lập nhiều kỉ lục

Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm. Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm, đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra.

Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt trên 5 triệu tỷ đồng, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đóng góp 74% vào quy mô nền kinh tế. GDP đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng/năm (2.385 USD), tăng 170 USD so với 2016.

Trong năm nay, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, thấp hơn mức trần là 4%. Tuy nhiên bội chi ngân sách vẫn cao. Tổng thu ngân sách sau nhiều nỗ lực vẫn không đủ bù cho chi khi chỉ đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kỷ lục. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016, là mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

13 triệu khách quốc tế đến Việt Nam

Tiếp nối thành công của năm 2016, năm 2017, gần 13 triệu khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch lữ hành năm nay ước tính đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khách đến từ Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu số lượng khách đến Việt Nam, chiếm khoảng 30%, theo sau là Hàn Quốc với 18%.

Ngành du lịch được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp 10% vào nền kinh tế năm 2020.



Năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh trong nước ngày càng cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát... dự báo năm 2018 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến kinh tế nước ta.

Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng 6,5 - 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8%... Tổng cục Thống kê đề nghị, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Kinh tế 2017: Tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới
Kinh tế 2017: Tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới

Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục, Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN