Kinh tế 2017: Tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới

Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục, Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức.

Điều này khẳng định chỉ khi các chủ trương, chính sách, các hoạch định, kế hoạch hành động được xây dựng nhưng đi kèm là sự rốt ráo, sát sao thậm chí quy rõ trách nhiệm cho từng cá nhân người đứng đầu thì những mục tiêu mới có thể trở thành hiện thực. Đây cũng chính là nguồn sinh khí tạo động lực cho tăng trưởng mới của 2018.

Mô hình “Một cửa, một lần dừng” tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua biên giới Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) – Densavan (Savanakhet, Lào) là một trong những đột phá về cải cách thủ tục hành chính, được Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá cao. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Cơ sở cho tăng trưởng

Còn nhớ, 3 tháng trước, các tổ chức Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cùng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 xuống dưới mức dự báo của chính họ trước đó và là mức thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 6,7% của Quốc hội đặt ra.

Việc hạ dự báo tăng trưởng được các tổ chức đưa ra dựa trên cơ sở tình hình kinh tế, các tác động bên trong, bên ngoài tới Việt Nam. Bởi đã có thời điểm Quốc hội, Chính phủ dành nhiều thời gian để bàn bạc có hay không việc điều chỉnh mức tăng trưởng khi thực tế tăng trưởng GDP quý I/2017 xuống thấp nhất trong vài năm trở lại đây, chỉ 5,15%. Khi đó, các kịch bản được đưa ra để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%.

"Với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng từ 6,3 - 6,5%" - báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 đã chỉ rõ.

Tuy nhiên, kết quả kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được trong các quý sau đó đã xua tan những hoài nghi về quyết tâm của Chính phủ.

Theo đó, GDP quý II đã tăng lên 6,28%; đến quý III đạt 7,46%, cao gần gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng quý đầu tiên của năm 2017 và quý IV tăng 7,65%. Các con số này đã đưa đến kết quả GDP năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016.

Để đạt được kết quả này là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ.

Theo đó, một loạt chính sách đã được Chính phủ đề ra; trong đó tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh nhằm huy động tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển.

Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản cụ thể cho từng quý, từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, đặc biệt rà soát cụ thể đối với 31 sản phẩm chủ lực là những sản phẩm tạo ra giá trị hơn 1 tỷ đô la cho xuất khẩu, cho phát triển kinh tế.

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ quản lý ngành kinh tế gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch - những bộ có liên quan đến kinh tế tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các lĩnh vực thuộc bộ.

Nhiều cuộc làm việc của Thủ tướng với các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được tổ chức nhằm lắng nghe và giải đáp các thắc mắc. Hàng loạt thủ tục hành chính đã được Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành gỡ bỏ. Điểm nhấn phải kể tới là Bộ Công Thương chỉ riêng năm 2017 đã mạnh tay cắt giảm 675 thủ tục hành chính, chiếm khoảng 55% số điều kiện kinh doanh hiện có do Bộ này ban hành để tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính liên tục cải cách từ thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước... đến hiện đại hóa hành chính đối với tất cả các lĩnh vực kho bạc, chứng khoán, tài chính doanh nghiệp.... Tính chung từ năm 2011 đến nay, Bộ Tài chính đã cắt giảm được 420 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 1.836 thủ tục liên quan các lĩnh vực tài chính.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư cũng tham gia tích cực vào công cuộc cải cách hành chính này.

Với những nỗ lực này, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế “thăng hạng”. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017 – 2018, Việt Nam đã tăng được 5 bậc, xếp hạng 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ. WB cũng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, năm 2018 dự kiến sẽ tăng 14 bậc, lên 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hãng đánh giá quốc tế Madi cũng nâng mức tín nhiệm của Ngân hàng Việt Nam lên mức tích cực.

“Đây là những tín hiệu rất mừng của môi trường đầu tư kinh doanh cũng như môi trường phát triển của Việt Nam” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá.

Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với sự quyết tâm hội nhập sâu, rộng, toàn diện, hiện Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới; trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Ðến nay, Việt Nam đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP.

Chỉ rõ điểm nghẽn


Mặc dù đạt được 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhưng có thể thấy, nền kinh tế vẫn còn khó khăn, đặc biệt những điểm nghẽn đang tồn tại sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 cũng như mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2016-2020.

Trước hết, là chất lượng tăng trưởng còn chậm được cải thiện. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Nên dù là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao song tốc độ tăng trưởng kinh tế đã và đang giảm khá nhanh từ 7,3% trong giai đoạn 1990 - 2000, xuống 6,7% (2001 - 2010) và tiếp tục giảm xuống 5,96% (2011 - 2016).

Mặc dù tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đã tăng từ 5,29% năm 2016 lên 5,87% năm 2017 nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam nhìn nhận, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 4%, trong khi Trung Quốc là 7%. Với tốc độ như vậy sẽ đe dọa sự tụt hậu, kém hiệu quả trong sử dụng các yếu tố đầu vào.

Nợ xấu cũng là một điểm nghẽn tuy đã có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức tín dụng điều chỉnh nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao làm giảm vai trò và hiệu lực của chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Cũng theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nền kinh tế đạt thặng dư thương mại nhưng xuất khẩu phần lớn là do các doanh nghiệp FDI tạo nên. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa thiếu tính kết nối với các doanh nghiệp FDI nên việc thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chưa tạo nên tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước. Điều này dẫn tới vai trò của các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế.

Với tiến trình hội nhập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ ra, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.

Hơn nữa, vấn đề được xem là cốt lõi dẫn dắt quá trình tăng trưởng trong năm 2017 là sự quyết liệt hành động vì một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Mặc dù đã ghi nhận được niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Phát triển chiến lược – Ngân hàng Nhà nước, những nỗ lực đó vẫn đang ở cấp cao nhất còn cấp dưới chuyển động còn chậm.

Kịch bản nào cho năm 2018?

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới tại các quốc gia và khu vực không có quá nhiều biến động, dự kiến tăng trưởng GDP thế giới ở mức 3,65%. Giá cả và thương mại thế giới được dự báo duy trì ở mức ổn định. Trong nước, quá trình cải cách pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Dự báo kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo 3 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, kịch bản trung bình là kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất. Theo đó tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 5%.

Kịch bản này dựa trên cơ sở giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức 3,65%. Trong nước, đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ, hiệu quả và giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Điều hành chính sách có cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu. Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt.

Với kịch bản cao (kịch bản thứ hai), tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 7% và lạm phát trung bình có thể ở mức 6%.

Theo NCIF, kịch bản này ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình.

Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế; qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Ở kịch bản thấp (kịch bản 3), theo NCIF, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam gặp những khó khăn, bất lợi như tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực khai khoáng tiếp tục giảm sút, tăng trưởng khu vực dịch vụ gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ du lịch không đạt được tăng trưởng như năm 2017.

Trong khi đó, những giải pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2017 không đạt hiệu quả ngay mà lại gây áp lực lạm phát gây bất ổn vĩ mô. Khi đó, nếu cộng hưởng thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,31% trong khi lạm phát có thể tăng trở lại ở mức 5% và có thể còn cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách.

Theo các chuyên gia, để kinh tế Việt Nam hạn chế những rủi ro, phát triển theo đúng hướng, năm 2018 Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn; trong đó ưu tiên tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề xuất Chính phủ tiếp tục kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết để cởi trói cho người dân và doanh nghiệp. Quyết liệt giải phóng các bộ, ngành ra khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước mà chuyển giao chức năng này cho các công ty đầu tư tài chính để vận hành theo nguyên tắc thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi các chính sách thuế phù hợp đảm bảo với cân đối nguồn lực và thúc đẩy kinh tế bền vững.

Liên quan đến nguồn vốn cho xã hội, sản xuất, kinh doanh ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Phát triển chiến lược – Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành tham gia cùng hệ thống ngân hàng để hỗ trợ xử lý nợ xấu. Bởi nếu dòng tiền nợ xấu quay trở lại hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được tái tạo đầu tư vào nền kinh tế.

Về cải thiện năng suất lao động, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung tương, từ năm 2018 trở đi, năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm để đảo ngược tình hình, góp phần đưa nền kinh tế thay đổi về chất lượng tăng trưởng, rút ngắn thời gian tới đích thịnh vượng.

Để hiện thực hóa việc này, các giải pháp được đề xuất đó là Chính phủ cần bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực đối với các loại hình doanh nghiệp cũng như có chính sách hợp lý nhằm tăng mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Tuy nhiên, để tạo sinh khí, tạo động lực tăng trưởng mới, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Chính phủ cần có thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy động lực của các địa phương, nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách.

Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua với mức tăng trưởng GDP từ 6,5 - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Thu Hạnh (TTXVN)
Các tỉnh đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Các tỉnh đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Các tỉnh Tây Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN