Kiên định thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2014

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2014 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia cần có sự nỗ lực và phấn đấu quyết liệt mới có thể hoàn thành các mục tiêu kinh tế của năm 2014.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính


Để thực hiện các mục tiêu kinh tế trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Cần đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát để sớm bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục về thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đánh giá về mô hình thủ tục hành chính một cửa để triển khai áp dụng sớm trong phạm vi cả nước. Để tạo điều kiện cho người dân giám sát bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án về chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân đối với bộ hành máy chính các cấp; đồng thời sớm hoàn thành Nghị định về đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Tám-TTXVN


Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra vào chiều 31/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm quyết định theo thẩm quyền đối với một số giải pháp như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước mà ngân sách nhà nước chậm thanh toán; bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ...

Đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tới đối với các giải pháp như bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN; bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ, bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và một số giải pháp quan trọng khác.

Phấn đấu thực hiện được mục tiêu tăng trưởng


Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, mặc dù kinh tế nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Chính phủ không điều chỉnh mà bằng các biện pháp và quyết tâm phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Thủ tướng đã chỉ đạo rõ: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát từng lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; khuyến khích đầu tư tư nhân và tăng cường thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính phủ sẽ sớm họp và quyết định về nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Về tín dụng cho nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tập trung tăng dư nợ tín dụng nhằm góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế.


Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung rà soát, có phương án nhanh chóng giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đối với tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế năm 2014, ngay tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, nhiều thành viên Chính phủ đã đề xuất phải phấn đấu, nỗ lực cao nhất để đạt cho được mục tiêu tăng trưởng của năm 2014 là 5,8% bằng việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Các giải pháp tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư; tăng tổng cầu của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ở cả trong và ngoài nước, tăng xuất khẩu.

Cùng với việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác nhất định, Chính phủ sẽ ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực có lợi thế trong khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để kích thích tăng trưởng của các khu vực này. Mặt khác, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI, vốn ODA; tăng cường công tác chống buôn lậu ở khu vực biên giới…


Hồng Ninh


Hải Phòng cần chuyển mô hình kinh tế sang chiều sâu
Hải Phòng cần chuyển mô hình kinh tế sang chiều sâu

Tiếp tục chương trình công tác tại Hải Phòng, ngày 22/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN