Đáp ứng yêu cầu tiện lợi
Theo báo cáo của Haravan (công ty công nghệ xây dựng nền tảng bán hàng online cho trên 50.000 doanh nghiệp trên cả nước), trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam thì kênh Social Commerce (thương mại xã hội) đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng doanh thu và khách hàng, cũng như giúp nhà kinh doanh quản lý hệ thống phân phối, bán lẻ với đa dạng ứng dụng công nghệ. Hiện nay, kênh Social và TikTok tăng trưởng nhanh, chiếm khoảng 47% tỷ trọng đơn hàng của những kênh bán online của nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khi bán hàng trên các kênh thương mại xã hội, nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể tăng hiệu quả quảng cáo và quản lý hoạt động bán hàng. Trong khi đó, Chatbot (chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tương tác với con người) và Livestream (phương thức truyền dữ liệu trực tuyến để phát cho người xem trên Internet) trên Facebook, Messenger đã chứng minh được hiệu quả tăng tốc kinh doanh cho nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng Việt Nam khi mua sắm qua Livestream trên mạng xã hội cũng cho thấy, có 55% người tiêu dùng thực hiện mua sắm online qua tài khoản cá nhân. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát này cũng chỉ ra rằng có 72% người dùng mua sắm trên mạng xã hội vì tiện lợi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing tại Haravan cho hay, cùng với cơ hội tiềm năng thị trường rộng lớn, thì nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp những khó khăn trong việc quản lý bán hàng trên mạng xã hội. Điển hình, nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa không quản lý được số lượng tồn kho và danh sách sản phẩm, bán hàng trên nhiều tài khoản hay mạng xã hội khác nhau, thiếu hệ thống quản lý thu chi - công nợ...
Để hỗ trợ nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết những khó khăn nêu trên, Giám đốc Marketing tại Haravan cho biết thêm, Haravan cung cấp công cụ đồng bộ dữ liệu sản phẩm, tự động đồng bộ khi có đơn hàng, báo cáo kinh doanh được cập nhật theo thời gian thực tế... Đặc biệt, hệ thống báo cáo và theo dõi hiệu suất bán hàng cho phép nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng nhận biết doanh thu đến từ kênh nào, xu hướng bán hàng trong từng thời điểm... để có những thay đổi hoạt động kinh doanh phù hợp với thị trường và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.
Những nền tảng dịch vụ giao tiếp (CPaaS) và phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) được ứng dụng phổ biến, trợ giúp nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa mang đến trải nghiệm liền mạch cho khách hàng trên nhiều kênh, cũng như mở rộng quy mô thị trường xuyên biên giới ra toàn cầu.
Trong báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Infobip - nền tảng truyền thông đám mây tầm cỡ toàn cầu cho thấy, hiện nay trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam thì kênh thương mại điện tử là một trong những mô hình kinh doanh phát triển nhanh nhất. Bên cạnh đó, người dùng ở Việt Nam rất tích cực sử dụng ứng dụng liên lạc như Zalo và Viber; nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram...
Cụ thể, tính đến đầu năm 2023 tại Việt Nam có khoảng 64,4 triệu người trưởng thành sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, tỉ lệ người dùng Internet cao với 77,93 triệu người dùng trên tổng dân số là 98,53 triệu người (tính đến tháng 1/2023) cho thấy, Việt Nam có tiềm năng ứng dụng thương mại qua hội thoại rất lớn.
Đặc biệt, với bối cảnh thói quen người tiêu dùng thay đổi theo xu hướng mua sắm online, hay thị trường thương mại tự do mở ra điều kiện thuận lợi giao thương xuyên biên giới, chuyên gia cho rằng, tham gia thị trường thương mại điện tử là yêu cầu tất yếu của nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Mặt khác, hàng hóa muốn thâm nhập vào thị trường online phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng công nghệ tiếp thị mới... sẽ góp phần đẩy mạnh làn sóng nhà kinh doanh chuyển đổi số trong mạng lưới phân phối, bán lẻ và kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Kênh bán hàng bản địa hiệu quả
Ghi nhận thực tế, vừa mới ra mắt tại thị trường Việt Nam nhưng kênh thương mại điện tử - Chus.vn đã mang đến không gian mua sắm online, mà cả người tiêu dùng, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đều có thể tìm kiếm những tác phẩm thủ công, đặc sản địa phương, hàng tiêu dùng... được sản xuất với số lượng giới hạn. Đặc biệt, ở một số nhóm ngành hàng như sản phẩm thủ công, người mua còn có thể trao đổi trực tiếp với nghệ nhân, nghệ sĩ, người bán... để có những chi tiết cá nhân hóa sản phẩm theo phong cách riêng.
Mặt khác, hướng đến thông điệp "Lên Chus sắm hàng Việt chất", Chus.vn giới thiệu đa dạng sản phẩm đóng gói chỉn chu và đẹp mắt như The Hồ Tiêu (Phú Quốc), kẹo dừa nhiều hương vị của Chái Bếp (Bến Tre), tương ớt theo công thức cổ truyền của SPICO (Thanh Hóa), kẹp tóc thêu tay tỉ mỉ của fragile.house (Quảng Nam), trang sức sơn mài của Đại Nghĩa - Huế (Thừa Thiên - Huế)... Theo đó, Chus.vn vừa mang đến sự tiện lợi cho người mua, vừa góp phần xây dựng cộng đồng những người yêu thích và ủng hộ hàng Việt.
Đại diện The 90s DIY - một trong những thương hiệu thủ công bán hàng Chus.vn, nhà đồng sáng lập An Nguyễn cho biết, đối với dòng sản phẩm thủ công thì khá kén khách hàng và chỉ có thể tiếp cận thị trường ngách nên lại càng khó khăn hơn những mặt hàng khác. Do đó, Chus.vn đáp ứng được yêu cầu kết nối những thương hiệu thủ công chất lượng cao với khách hàng tiềm năng là những người thực sự hiểu được giá trị của dòng sản phẩm thủ công.
Vừa là người bán, vừa là khách hàng của Chus.vn, An Nguyễn chỉ ra rằng, đây không chỉ là một trang thương mại mà còn là một cộng đồng của những người yêu sản phẩm Việt. Đồng thời, Chus.vn là nơi mà nhà kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển sản phẩm địa phương một cách bền vững và tìm đầu ra cho những mặt hàng tiềm năng.
Liên quan đến lĩnh vực phát triển bền vững nông sản địa phương, nhà sáng lập Lora Lê của thương hiệu The Hồ Tiêu cũng chia sẻ, hơn cả một nền tảng để bán hàng thì Chus.vn còn có những giá trị vô hình góp phần không nhỏ vào sự phát triển rõ rệt của thương hiệu The Hồ Tiêu. Điển hình, từ khởi đầu với 3 - 4 sản phẩm đơn giản, đến nay thương hiệu The Hồ Tiêu đã cho ra mắt danh mục phong phú với 19 sản phẩm; đồng thời từ tham gia bán số lượng ít cho khách hàng ở khu vực phía Nam đã mở rộng ra toàn quốc, thậm chí còn có một lượng lớn khách nước ngoài.
Ghi nhận trong thời gian đây, ngành công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang phối hợp liên ngành, cùng một số địa phương đưa hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và nông đặc sản bản địa bán trên đa dạng kênh thương mại điện tử. Hoạt động này được cụ thể hóa bằng một số chương trình hành động, gồm: chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP"; "Thương hiệu nông sản Cần Giờ"; "Sàn giao dịch thịt lợn TP Hồ Chí Minh"... do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chủ trì ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh, UBND huyện Cần Giờ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki)...
Đây cũng là chuỗi chuỗi hoạt động nhằm triển khai hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành... Các bên tham gia ký kết sẽ phối hợp cùng sở, ngành, đơn vị liên quan tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP... quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua môi trường thương mại điện tử ở cấp độ địa phương, cũng như từng bước nhân rộng ra thị trường trong và ngoài nước.