Chiều 25/8, tại hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư nông nghiệp năm 2023 với chủ đề: “Liên kết tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Dương Đức Trọng cho rằng, việc tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT không chỉ mang lại doanh thu, lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn chứng minh hướng đi đúng đắn, tất yếu của giao dịch nông sản trong kỷ nguyên công nghệ số. Bên cạnh đó, tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT còn giúp cho người kinh doanh có thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản trên sànTMĐT cũng đặt ra một số thách thức.
“Sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp trực tuyến, đảm bảo quy trình giao hàng an toàn và đúng thời gian cũng là một thách thức. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các hợp tác xã thì khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa được phổ biến, thiếu nhân lực chuyên môn nên xảy ra tình trạng bán hàng trên sàn TMĐT chưa hiệu quả”, ông Dương Đức Trọng thông tin thêm.
Theo ông Phạm Sơn Tùng, Phó Ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nan, cùng với sự phát triển liên tục của TMĐT, hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Theo đó, người tiêu dùng đã chuyển dịch dần từ tìm kiếm sản phẩm ở môi trường truyền thống sang tìm kiếm thông tin sản phẩm trên online trước khi quyết định mua sắm.
“Nếu bắt kịp xu hướng phát triển của mạng xã hội, thói quen mua sắm từ truyền thống chuyển sang online thì rất thuận lợi cho nông dân xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng”, ông Phạm Sơn Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức, Công ty cổ phần Dịch vụ truyền thông Zafago cho rằng, rào cản lớn nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn TMĐT đó là người tiêu dùng Việt Nam không có thói quen mua nông sản online, chỉ mua khi đó là những sản phẩm hiếm và khó tìm trên thị trường. Sở thích của người tiêu dùng khi mua những sản phẩm nông sản là được lựa chọn trực tiếp. Để thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, cần một thời gian rất lâu.