Công nhân Công ty Điện lực An Giang kiểm tra kỹ thuật lưới điện nông thôn. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Trong khi đó, yêu cầu đảm bảo cung cấp điện nuôi tôm tại vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và thành phần phụ tải Công nghiệp xây dựng đang phục hồi tăng trưởng đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách về đầu tư đảm bảo giải quyết nhanh chóng yêu cầu cấp điện mới.
Với vai trò đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam, kế hoạch cung cấp điện đã được Tổng công ty xây dựng cho cả năm; trong đó sản lượng cấp điện được tính toán theo dự báo phụ tải, đồng thời các phương thức vận hành được xây dựng hàng tháng trên cơ sở phối hợp giữa các đơn vị để nâng cao độ tin cậy lưới điện, giảm thời gian mất điện.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết, để triển khai các phương án cung cấp điện, ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị hoàn tất kế hoạch cung cấp điện cho mùa khô (mùa có nhu cầu sử dụng điện cao nhất trong năm) và cả năm 2017 cũng như vận hành hệ thống điện thống nhất từ hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền và hệ thống điện các cấp Tổng công ty, công ty, điện lực.
Tổng công ty cũng yêu cầu các Công ty điện lực tăng cường kiểm tra hành lang lưới điện, trạm biến áp, cũng như danh sách các trạm 220 kV có liên quan đến các đường dây 110 kV trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam nhằm đảm bảo quản lý kỹ thuật và vận hành lưới điện an toàn. Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình diễn tập trong trường hợp xảy sự cố lưới điện, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp điện.
Bên cạnh đó, Tổng công ty xây dựng phương án cung cấp điện khi hệ thống mất cân đối cung cầu, phương án đảm bảo cung cấp điện trung hạ áp của từng đơn vị điện lực. Kiểm tra rà soát hệ thống thông tin liên lạc, tăng cường thông tin cho khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khách hàng và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Phía các công ty Điện lực còn phải tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo cung cấp điện và phê duyệt danh sách khách hàng quan trọng cần được ưu tiên khi hệ thống điện mất cân đối cung cầu.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, đ ể tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, chống quá tải và đáp ứng mức tăng trưởng phụ tải của các khu vực, Tổng công ty đã chỉ đạo Công ty điện lực tại các tỉnh chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương xác định các khu vực có nhu cầu điện cấp bách, đảm bảo điện cho tưới tiêu, chống hạn, phục vụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn. Từ đó, lập phương án cung cấp điện cụ thể, triển khai đến các Điện lực và báo cáo đến UBND các cấp tại địa phương.
Cùng với đó, có chế độ giám sát đảm bảo triển khai đồng bộ hoạt động cung cấp điện với kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại địa phương. Tổng công ty cũng phối hợp với các Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan ưu tiên sử dụng vốn đầu tư đã được phân bổ để thực hiện các công trình cung cấp điện với mục đích giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, xâm nhập mặn, đảm bảo cung cấp điện ổn định theo nhu cầu trong mùa khô này.
Mặt khác, để giải quyết cấp điện cho các khu vực có mức tăng trưởng phụ tải cao tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh, Tổng công ty đã và đang triển khai nhiều công trình lưới điện 110kV và 220kV. Cụ thể, hoàn tất đóng điện thêm 18 công trình lưới điện 110kV trong năm 2016 như: Trạm biến áp 110kV Hựu Thạnh và đường dây đấu nối; Trạm biến áp 110kV Bình Sơn và đường dây đấu nối; Đường dây 110kV Long An 2 - An Thạnh; trạm 110kV An Thạnh; trạm 110kV Gò Quao và đường dây 110kV Giồng Riềng – Gò Quao; trạm 110kV Khu công nghiệp Bến Lức và đường dây đấu nối; Lắp các máy T2 tại các trạm 110kV Thốt Nốt; Minh Phong; Thắng Tam; Giồng Riềng; Mỹ Thuận; Cái Bè; Phú Tân; Ma Lâm; Châu Thành; Thoại Sơn và Phú Châu. Riêng 2 công trình lưới điện 220kV là trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối; trạm 220kV Cần Đước và đường dây đấu nối hiện đang khẩn trương thi công và dự kiến hoàn thành đóng điện trong năm 2017.
Ngoài ra, Tổng công ty còn duy trì kiểm tra, sửa chữa, bảo trì trạm, lưới điện để đảm bảo hệ thống lưới điện tại các khu vực thường có đột biến về phụ tải vận hành trong mùa khô với tình trạng ổn định nhất.
Thực tế vận hành hệ thống điện miền Nam trong thời gian qua cho thấy, tình trạng đầy tải đường dây và trạm biến áp 110 kV đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra, gây mất điện đột xuất do sự cố lưới điện, đặc biệt tại nơi có phụ tải điện tập trung cao như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số điện lực thông báo chưa kịp thời thông tin ngừng giảm cung cấp điện, tình trạng phối hợp tổ chức thi công sửa chữa các công trình điện (có ngừng giảm cung cấp điện) giữa đơn vị thi công với bộ phận quản lý lưới điện có thời gian cắt điện dài, tái lập điện không đúng cam kết như thông báo, làm kéo dài thời gian mất điện theo kế hoạch.
Không những thế, khu vực nuôi tôm tại vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh chóng, không theo quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ đảm bảo cấp điện, an toàn sử dụng điện, cũng như giảm tổn thất điện năng…trong toàn khu vực.