Lý giải doanh thu đường sắt 'lao dốc'

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), doanh thu vận tải trong tháng 8/2021 của doanh nghiệp đạt mức thấp kỷ lục do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sản lượng vận tải hành khách chỉ hơn 8.640 lượt hành khách lên tàu, đạt 24,8% kế hoạch, bằng 6,5% so với cùng kỳ.

Khó khăn chồng chất

Thống kê, đầu tháng 8/2021, toàn mạng lưới đường sắt của VNR chỉ duy trì chạy một đôi tàu khách Thống nhất trên tuyến Bắc Nam, nhưng đến cuối tháng 8, đôi tàu này cũng dừng hẳn, nên doanh thu vận tải hành khách sụt giảm kỷ lục. 

Vận tải hàng hóa có khả quan hơn khi thực hiện được 413.944 tấn xếp trong tháng 8, đạt 101,6% kế hoạch, bằng 105,4% cùng kỳ và 242,805 triệu T.Km, đạt 91,9% kế hoạch, bằng 80% cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn. Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Tàu đường sắt "đắp chiếu" trong sân ga Hà Nội do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trao đổi vấn đề này, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR chia sẻ, do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, VNR phải điều chỉnh kế hoạch, biểu đồ chạy tàu, cắt giảm nhiều mác tàu trên các tuyến. Tàu khách đã dừng toàn bộ các mác tàu, riêng tàu Thống nhất chạy hàng ngày SE8 dừng từ ngày 23/8, SE7 dừng từ ngày 25/8. Vận tải hàng hóa vẫn đang duy trì chạy, nhưng do tình hình dịch ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, bị đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ, nên lượng tàu hàng từ ga Sóng Thần ra các tỉnh phía Bắc giảm mạnh. Tàu hàng nhanh chuyên tuyến hai chiều Sóng Thần - Giáp Bát giảm đến hơn 50%. Thực tế này kéo doanh thu vận tải hàng hóa của VNR "lao dốc".

Chưa hết, theo ông Đặng Sỹ Mạnh, vận tải đường sắt đang thiếu hụt dòng tiền trầm trọng, không thể tiếp tục chi trả lương cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của VNR, do đó, phải tạm hoãn hợp đồng lao động đối với người lao động tại VNR, các chi nhánh ga, các chi nhánh đầu máy...

Dự kiến, từ ngày 1/9 - 31/12/2021, khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn hợp đồng, kể cả cấp phó trưởng ban, phó giám đốc chi nhánh. Còn đối với lao động trực tiếp, tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp công việc, với tổng số người giai đoạn này sẽ phải tạm hoãn việc làm khoảng 1.600 lao động.

Khắc phục như thế nào?

“Để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đường sắt, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, VNR đã báo cáo và đề nghị Bộ GTVT làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông bằng đường bộ đến các ga lập tàu và từ ga dỡ hàng đi tiêu thụ. Bên cạnh đó, VNR gửi công văn đến UBND các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, nêu rõ ưu điểm an toàn của vận tải hàng hóa đường sắt trong bối cảnh dịch, để các địa phương tạo thuận lợi cho vận tải chuyển sang khai thác bằng đường sắt”, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay.

Dự báo, trong những tháng cuối năm, nguồn hàng đầu vào tiếp tục giảm mạnh, thị trường tiêu thụ chưa có dấu hiệu khôi phục, nên vận tải hàng hóa đường sắt vẫn đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, VNR đang tìm giải pháp nâng cao năng lực vận tải đường sắt; tiếp tục chú trọng đẩy mạnh vận tải hàng hóa. Trong đó, khẩn trương xây dựng sàn giao dịch vận tải; tiếp tục duy trì các đơn hàng truyền thống, khách hàng cũ, chú trọng tìm kiếm nguồn hàng, luồng hàng, đối tác mới để nâng cao sản lượng và tăng doanh thu vận tải hàng hóa, bù đắp thiếu hụt cho vận tải hành khách.

VNR cũng đang báo cáo cấp có thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt, để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.

Ngoài ra, Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT, đề xuất cơ chế chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lĩnh vực vận tải đường sắt; kiến nghị phê duyệt đề án cơ cấu lại VNR và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc; tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 của Bộ Tài chính cho các năm tiếp theo. Cụ thể mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì 8% như trước; đồng thời, đề xuất các địa phương thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi sử dụng đất dành cho đường sắt; miễn tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích đất trụ sở điều hành sản xuất của các đơn vị đầu máy, toa xe và đất các công trình phụ trợ khác...

VNR bắt đầu triển khai bán vé hành lý điện tử từ tháng 10/2020 trên tất cả các đoàn tàu. Thay vì bán vé hành lý bằng giấy như trước, các thông tin về hành lý: Tên hàng, kích cỡ, cước phí, người gửi, người nhận, vận chuyển trên toa nào, mác tàu nào, ga đi, ngày giờ xuất phát, ga đến, ngày giờ đến... đều được nhập lên hệ thống vé hành lý điện tử. Khách hàng sau khi hoàn thành các thủ tục thuê gửi hành lý theo tàu, sẽ được nhân viên đường sắt đưa lại phiếu gửi hành lý, trong đó có cung cấp mã bưu kiện và địa chỉ website để tra cứu “đường đi” của hành lý. Việc triển khai áp dụng vé hành lý điện tử sẽ tạo thuận tiện nhiều hơn cho khách hàng. Sau khi gửi hành lý, khách hàng có thể tra cứu trên website được cung cấp, kiểm tra quá trình vận chuyển hành lý; vị trí hiện tại của hành lý, đã vận chuyển theo tàu chưa, đang gửi theo tàu nào, đi đến đâu; chi tiết ngày giờ hành lý đến ga để chủ động trong việc nhận hành lý. Ngoài ra, nếu khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử, chỉ cần cung cấp đầy đủ các thông tin lấy hóa đơn với nhân viên đường sắt ngay khi làm thủ tục vận chuyển, sau đó tra cứu, lấy hóa đơn trên website hóa đơn điện tử của doanh nghiệp vận tải đường sắt.
Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Quy hoạch đường sắt kết nối liên thông cảng biển, hàng không
Quy hoạch đường sắt kết nối liên thông cảng biển, hàng không

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Mục tiêu dự thảo hướng tới việc kết nối liên thông các ga đường sắt với cảng biển, cảng hàng không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN