Vượt khó
Theo ông Lê Bá Vương, cán bộ phòng Điều hành dự án 5 (BQLDAĐS) phụ trách gói thầu XL-CY-08 - dự án Cầu yếu, gói thầu vừa hoàn thành sàng 6/16 dầm cầu Châu Me trong số các cầu thuộc khu vực phong tỏa, để chuyển sang tập trung thi công cầu tiếp theo trong cùng khu gian qua tỉnh Quảng Ngãi. Việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng lớn đến toàn dự án, vì bị tạm dừng thi công trong những tháng qua. Mặc dù vậy, nhiều gói thầu vẫn đang nỗ lực thi công.
Đơn cử, hạng mục sàng dầm cầu Châu Me Km 995+695 tuyến đường sắt Bắc Nam, các tổ thi công vừa lập kế hoạch tiến độ cụ thể cho từng công đoạn, đánh giá những nguy cơ chậm tiến độ để điều chỉnh kịp thời, vừa phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 người lao động tham gia tại công trình để đảm bảo tiến độ từng ngày...
Qua tìm hiểu, dự án Cầu yếu trải dài trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố từ Hà Nội đến Đồng Nai. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai thi công tại hiện trường do nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16.
Đại diện các gói thầu thông tin thêm, gói thầu XL-CY-03 có 7 cầu thuộc tỉnh Bình Thuận thì trong đó có 3 cầu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; 2 gói thầu XL-CY-09, XL-CY-10 thi công 25 cầu thuộc tỉnh Bình Định có 18 cầu bị ảnh hưởng; gói thầu XL-CY-11 thi công 14 cầu thuộc từ Phú Yên đến Đồng Nai có 4 cầu bị ảnh hưởng...
"Do thực hiện giãn cách xã hội, việc cung cấp bê tông, đá ballast, tà vẹt, đường ray… vào công trường bị đình trệ do vận chuyển khó khăn; việc huy động máy móc, nhân lực phục vụ thi công bị gián đoạn. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật từ các tỉnh có dịch như TP Hồ Chí Minh khi được điều động ra hiện trường đều phải cách ly 14 ngày, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các cầu", đại diện các gói thầu cho biết.
Trao đổi thực tế trên, Ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc BQLDAĐS cho hay, để khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, định kỳ hàng tuần, thậm chí hàng ngày, BQLDAĐS đều phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất bàn giao công trình, mở điểm thi công, để không ảnh hưởng tới công tác chạy tàu của ngành Đường sắt; đồng thời, tận dụng tối đa thời gian chạy chậm, phong tỏa tàu được bố trí trong những tháng thấp điểm để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đảm bảo mục tiêu tiến độ, chất lượng đề ra
Theo ông Mai Minh Việt, mặc dù công tác triển khai thi công, tiến độ chung bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng nhiều hạng mục công trình quan trọng của dự án Cầu yếu đã được đưa vào khai thác an toàn.
Cụ thể, 4 gói thầu đã hoàn thành đưa vào khai thác gồm 2 gói cầu yếu, 1 gói dự án đường sắt Hà Nội-Vinh, 1 gói dự án đường sắt Nha Trang-Sài Gòn. Trong đó, dự án cầu yếu đã hoàn thành trả tốc độ cho 55 cầu/125 cầu, dự án Hà Nội-Vinh đã hoàn thành trả tốc độ được 9/15 khu gian, dự án Nha Trang-Sài Gòn hoàn thành 4/5 khu gian và 2 ga. Các gói thầu còn lại đang được BQLDAĐS tích cực thực hiện, một số gói thầu sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 8-9/2021.
Bên cạnh đó, Ban QLDAĐS cũng xử lý nhanh các thủ tục cần thiết, bố trí các cán bộ, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm tại công trường để điều hành, xử lý công việc và đẩy nhanh công tác thi công, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.
“Ban QLDAĐS kịp thời báo cáo Bộ GTVT để có văn bản gửi địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị thi công; yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu tuân thủ nghiêm quy định giãn cách của địa phương để đảm bảo vừa phòng dịch vừa thi công; đồng thời sẽ điều chỉnh lại tiến độ theo hướng ưu tiên các mũi thi công tại khu vực không bị giãn cách hoặc khu vực bị giãn cách theo Chỉ thị 15 để tăng tốc về đích các gói thầu còn lại", ông Mai Minh Việt cho biết thêm.