Lý giải cơn biến động của TTCK thế giới

Hơn 5.000 tỷ USD đã bốc hơi trên các thị trường chứng khoán thế giới kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) hôm 11/8. Trong cơn biến động của các thị trường chứng khoán (TTCK) tại châu Á, các sàn giao dịch châu Âu cũng đã mất 4-6% giá trị từ hôm 24/8 và có vẻ sẽ còn chưa dừng lại ở đó.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.


Điều gì đang thực sự xảy ra?

Thực ra, đà mất điểm của các TTCK đã bắt đầu từ tuần trước, các thị trường Mỹ và châu Âu đã ghi nhận sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán xuống mức sâu nhất trong vòng 4 năm qua. Và tới ngày 24/8 vừa qua, nó lại ghi nhận một mức đáy mới. Tại Thụy Sỹ, TTCK Zurich quy mô lớn thứ 2 châu Âu, sau London, đã mất 3,75%. Ở Đức, chỉ số Dax đã lùi 4,7% trong khi đó ở London, trung tâm tài chính thế giới đã giảm 4,67%. Còn tại Na Uy, các chỉ số chứng khoán liên quan tới các loại nguyên vật liệu đã mất tới 5,19%. Tới chiều 24/8, theo tính toán của Reuters, tổng thiệt hại của 300 công ty châu Âu đã lên tới 400 tỷ euro.

Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 24/8, cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ gồm Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite đều lao dốc xấp xỉ 4%. Đây là sự mất giá tệ hại nhất của ba chỉ số chứng khoán này trong vòng 4 năm qua. Bức tranh tại châu Á không tươi sáng hơn. Ở Thượng Hải và Tokyo, giới phân tích đã dùng từ “hoảng loạn” để mô tả tâm lý các nhà đầu tư, thậm chí người ta còn lởn vởn thấy bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính tại châu lục này những năm 1990.

Vấn đề là gì?

Câu trả lời là Trung Quốc. Việc phá giá đồng NDT theo chính sách mới của Bắc Kinh 10 ngày trước đã gây tác động tiêu cực có tính dây chuyền lên các thị trường thế giới. Bất chấp những lời giải thích của giới chức nước này, động thái trên đã không trấn an được các nhà đầu tư. Người ta nhận ra rằng nền kinh tế thứ hai thế giới cần sự trợ giúp để tránh bị tuột dốc.

Những chỉ số kinh tế không lạc quan về tốc độ tăng trưởng toàn cầu, về nhu cầu hàng hóa, nhiên liệu của Trung Quốc khiến giới đầu tư bất an. Thêm nữa, kế hoạch tăng lãi suất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể phải chờ tới năm sau. Tóm lại, tình hình thị trường hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng ANZ là “đáng lo ngại”.

Tình trạng trên sẽ kéo dài tới khi nào?

Câu hỏi cần trả lời ở đây là liệu đà suy giảm của các TTCK hiện nay có phải là dấu hiệu chấm dứt thời kỳ tăng trưởng liên tục của các cổ phiếu trong suốt 6 năm qua và hay chỉ là một sự điều chỉnh chốc lát? Chưa có câu trả lời xác đáng cho vấn đề này nhưng nhiều nhà phân tích khuyến cáo: sự biến động của thị trường chứng khoán sẽ kéo dài trong những ngày tới.

Về dài hạn, Ngân hàng Đức Deutsche Bank bác bỏ lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu xuất phát từ những biến động trên TTCK Trung Quốc. Theo chuyên gia phân tích của ngân hàng này, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh với 2%, châu Âu cũng đạt tăng trưởng khoảng 1,5%, và Trung Quốc, bất chấp những vấn đề về dân số, lương tăng và vấn đề nợ, cũng không thể trượt vào khủng hoảng kéo dài.

Ông Nicolas Musy đồng sáng lập công ty tư vấn Trung Quốc trụ sở tại Thượng Hải, thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại từ mức tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây. Nhưng theo ông không nên quá chú trọng những con số bởi TTCK Trung Quốc giảm nhiệt sau khi đã bị đẩy giá trị lên quá mức. Ngoài ra, chứng khoán chỉ chiếm một phần nhỏ trong tích lũy của người dân Trung Quốc. Do vậy, ngay cả khi thị trường đi xuống cũng không ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.


Cần phải làm gì?

Trước khi để biết liệu việc mất giá của các loại cổ phiếu trên thị trường có kéo dài hay không, các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lúc này đều không đưa ra các quyết định vội vã. Các nhà phân tích Thụy Sĩ cũng kêu gọi giới đầu tư và các công ty giữ bình tĩnh. Công ty tư vấn Wellershoff & Partners nhận định thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện chủ yếu bị chi phối bởi sự hoảng loạn vô lý của nhà đầu tư vì chưa có dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc lao đao.

Còn theo cột cuộc thăm dò mới do Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ tiến hành hàng tháng về xu hướng đầu tư của các những quỹ đầu tư lớn, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các loại hàng hóa bảo đảm như viễn thông, dịch vụ công. Họ tránh các cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ, ngân hàng và những cổ phiếu có ít nhiều liên quan tới năng lượng, nguyên vật liệu.

Ai có thể ngăn chặn đà suy giảm?

Câu trả lời vẫn là Trung Quốc, bởi lo ngại chính của giới đầu tư chính là khả năng nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Các thị trường đang chờ đợi sự can thiệp của giới chức Bắc Kinh. Theo chyên gia Mark Hafele, Giám đốc đầu tư của Ngân hàng UBS, Thụy Sỹ, “tình thế hiện nay không đeo dọa tới sức khỏe nền kinh tế thứ hai thế giới. Chúng tôi nghĩ rằng xu hướng giảm sẽ ngừng và tăng trở lại vào cuối năm, khi mà các biện pháp của Bắc Kinh phát huy tác dụng. Hơn nữa, Trung Quốc có các công cụ và quyết tâm để triển khai đồng thời nhiều biện pháp” để ngăn chặn khả năng suy thoái của nền kinh tế.

Thái Nguyễn (theo Le Temps/Reuters/AFP)
Chứng khoán Trung Quốc giảm gây hiệu ứng toàn cầu
Chứng khoán Trung Quốc giảm gây hiệu ứng toàn cầu

Chứng khoán Trung Quốc giảm sâu, cùng những quan ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc và thế giới, đã gây hiệu ứng toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN