Khoảng 812 tỷ USD đã bị “bốc hơi”, biến ngày đầu tuần 24/8 thành một “ngày đen tối nhất” đối với các cổ phiếu chủ lực tại thị trường chứng Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu gây hoảng loạn thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới trong ngày 24/8 là từ các mối lo ngại ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư về thực trạng và viễn cảnh không mấy sáng sủa từ nền kinh tế Trung Quốc.
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đóng cửa phiên 24/8, cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ gồm Dow Jones, Standard & Poor's 500 và Nasdaq Composite đều lao dốc xấp xỉ 4%. Đây là mức mất điểm tệ hại nhất của ba nhóm chứng khoán này trong vòng 4 năm qua. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones đánh mất 588,4 điểm, tương đương 3,58% xuống 15.871,28 điểm. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu giờ sáng, chỉ số danh tiếng của 30 tập đoàn doanh nghiệp này thậm chí có lúc sụt tới 1.089 điểm và đến phiên đầu giờ chiều bị mất 830,66 điểm, tương đương 5,05%.
Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor's 500 cũng để rơi 77,68 điểm, tương ứng 3,94%, xuống còn 1.893,21 điểm và chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite để tuột 3,82%, chỉ còn 4.526,25 điểm. Trong phiên giao dịch buổi sáng, hai loại chỉ số lớn này cũng lần lượt bị mất giá 4,64% và 6%. Toàn bộ 10 khu vực thuộc thành viên nhóm chỉ số Standard & Poor's 500 trong ngày 24/8 đều bị rơi vào “vùng đỏ”, trong đó cổ phiếu của các tập đoàn năng lượng bị mất giá thảm hại nhất, trung bình 5,18%. Các chuyên gia cho biết lý do chính khiến các nhà đầu tư đua nhau bán tháo tài sản trong ngày 24/8 là từ những thông tin ngày càng xấu hơn của thị trường Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong ngày 24/8, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite tại sàn Thượng Hải lao dốc tới 8,5%. Việc Chính phủ Trung Quốc chưa công bố các biện pháp mới để ngăn chặn đà xuống dốc của thị trường và sự phát triển chậm lại của nền kinh tế cộng với việc đồng NDT tiếp tục bị mất giá kể từ khi nước này bất ngờ hạ tỷ giá cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo lắng thêm.
Không chỉ thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chứng khoán tại các thị trường châu Á và châu Âu trong ngày 24/8 cũng bị tác động mạnh bởi viễn cảnh xấu hơn từ nền kinh tế Trung Quốc. Tại châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 50 của khu vực Eurozone giảm 5,02%, chỉ số DAX của Đức, chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số FTSE của Anh cũng lần lượt để mất 4,31%, 5,12% và 4,33%.
* Chứng khoán Đức nếm trải "ngày thứ Hai đen tối"“Nối gót” đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán châu Á - Mỹ, cùng những quan ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc và thế giới, các chỉ số chứng khoán châu Âu ngày 24/8 đã mất điểm nghiêm trọng. Tình trạng “hỗn loạn” trên thị trường chứng khoán đã phản ánh những quan ngại của các nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường của thị trường tài chính và chứng khoán thế giới.
Những bất ổn từ thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 24/8 đã khiến chỉ số chứng khoán DAX 30 - chỉ số quan trọng nhất trên sàn chứng khoán Frankfurt của Đức - tụt xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm. Mở phiên giao dịch ngày 24/8, chỉ số DAX đã lập tức mất 3,1% giá trị, xuống 9.810 điểm, thậm chí chốt phiên, chỉ số này còn trượt xuống sâu hơn 9.648,43 điểm, giảm 4,7% so với phiên trước đó. Báo Thương mại của Đức đã gọi ngày 24/8 là “Ngày thứ Hai đen tối” trong lịch sử thị trường chứng khoán nước này, khi chỉ số DAX có lúc mất tới gần 600 điểm xuống còn 9.338 điểm. Thời điểm bốn tháng trước, chỉ số này còn đạt mức cao kỷ lục 12.390 điểm, song chỉ tính riêng từ giữa tháng 8/2015 tới nay, chỉ số DAX đã để mất trên 16%.
Đà tụt dốc đã khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu nhằm hạn chế thiệt hại về tài chính. Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Đức sẽ còn tiếp tục mất thêm 5-6% trước khi chạm đáy và tăng trở lại. Các chuyên gia cũng cho rằng trong hai đến ba năm tới, chỉ số DAX 30 sẽ tăng mạnh, thậm chí phá kỷ lục mới. Một nhà phân tích thuộc Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng những lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu xuất phát từ những vấn đề ở Trung Quốc là không có căn cứ.
Theo chuyên gia này, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh với 2%, châu Âu cũng đạt tăng trưởng khoảng 1,5% và Trung Quốc, bất chấp những vấn đề về dân số, lương tăng và vấn đề nợ do đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng, cũng không thể trượt vào khủng hoảng kéo dài. Tăng trưởng ở Trung Quốc năm nay dự báo đạt khoảng 7%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư và bán lẻ sẽ yếu kém hơn so với dự đoán. Những lý do này khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức Ngân hàng trung ương) điều chỉnh giảm giá đồng NDT nhằm kích thích xuất khẩu. Từ 11/8 đến nay, đồng NDT đã mất giá 3% so với đồng USD.
Trong khi đó, chỉ số CAC 40 giao dịch trên sàn chứng khoán Paris (Pháp) ngày 24/8 , vào khoảng 15 giờ cũng mất đến 8%, nhưng sau đóng cửa giảm 5,35%, xuống dưới 4.383,46 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 4,67% xuống 5.898,87 điểm.
Những bất ổn kinh tế không chỉ tạo ra cơn “động đất chứng khoán” ngày 24/8, mà còn làm rối loạn thị trường nguyên vật liệu trên thế giới. Giá dầu thô Brent Biển Bắc mất 6,1% xuống 42,69 USD/thùng, trong khi đồng euro lại tăng giá so với đồng USD, với tỷ giá 1 euro đổi được 1,1594 USD, tăng 1,8%.