Vụ Hè Thu năm nay huyện Ninh Phước gieo sạ 5.126 ha lúa/4.382 ha, vượt 17% so kế hoạch. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngay từ đầu vụ huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân xuống giống tập trung đúng lịch thời vụ, sử dụng giống cấp xác nhận, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”...nên lúa đạt năng suất trên 65 tạ/ha, giá lúa đang được thương lái thu mua ở mức từ 8.000 – 8.500 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi.
Chia sẻ niềm vui được mùa, bà Nguyễn Thị Lượm (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) cho hay, gia đình bà trồng 3 ha giống lúa mới BĐR999 có ưu điểm cứng cây, ít bị đổ ngã, bông to, hạt đóng dày, kháng được một số bệnh như rầy nâu, các bệnh đạo ôn lá, giống lúa này thích hợp với chân ruộng ở địa phương. Bên cạnh đó, năm nay mưa thuận, gió hòa giúp năng suất lúa đạt trên 65 tạ/ha, cao hơn vụ trước khoảng 4 tạ/ha, với giá bán như hiện nay bình quân mỗi ha lúa cho lợi nhuận từ 30-35 triệu đồng, gia đình có thêm động lực để sản xuất cho vụ tiếp theo.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) thông tin, vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh thu hoạch trên 16.268 ha lúa (trong đó, có 25 cánh đồng lớn với diện tích trên 3.504 ha) với tổng sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 100.254 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ, vượt 5,8% so với kế hoạch. Bên cạnh những tín hiệu vui từ thị trường lúa gạo, năm nay nông dân sản xuất vụ Hè Thu được tiếp thêm động lực khi giá nhiều loại phân bón dần hạ nhiệt, chi phí sản xuất giảm đáng kể, nông dân trồng lúa có lợi nhuận cao hơn so với mọi năm.
Phát huy đà thắng lợi sản xuất lúa vụ Hè Thu, trong vụ Mùa 2023 tỉnh Ninh Thuận sẽ xuống giống hơn 13.472 ha lúa và trên 10.540 ha cây hoa màu. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xuống giống vụ lúa mùa với cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng từ ngày 25/8 đến 30/9 và chậm nhất không quá ngày 10/10.
Đối với giống lúa, tỉnh khuyến cáo bà con nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến như: kỹ thuật “ 1 phải 5 giảm”1 , “3 giảm 3 tăng”. Cùng đó, ưu tiên lựa chọn các giống ngắn ngày, giống có chất lượng; quản lý và điều tiết nước tiết kiệm, hiệu quả tùy vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, dự tính dự báo sâu bệnh kịp thời; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Căn cứ dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và hồ Đơn Dương, đến thời điểm hiện tại cơ bản nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm, nguồn nước còn lại sẽ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Ninh Thuận dừng sản xuất vụ Mùa năm 2023 tại khu tưới của kênh Tấn Tài để thi công dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.