Dù vậy Sở Công Thương tỉnh Long An phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá hoặc hàng giả, hàng kém chất lượng.
Sức mua giảm một nửa
Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mộc Hóa anh Nguyễn Hữu Lợi cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên người dân chi tiêu tiết kiệm hơn so với mọi năm. Hiện tại hàng hóa trên địa bàn không khan hiếm, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng chưa cao; giá cả một số hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tăng nhẹ, bằng hoặc có nhiều mặt hàng giảm so với Tết năm ngoái. Trong số đó các mặt hàng thuộc lĩnh vực xây dựng như xi măng, sắt, thép; mặt hàng phục vụ tiêu dùng như bánh, mứt, rượu, bia, nước giải khát có chiều hướng giảm về số lượng, chủng loại.
"Nếu như mọi năm thời điểm này hoa Tết đã bày bán nhiều trên các tuyến đường chính, công viên của huyện thì nay lượng hoa bày bán giảm nhiều, do người dân còn khó khăn sau thời gian dài giãn cách do dịch bệnh. Đối với các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, cơ quan chức năng luôn bảo đảm không để xảy ra tình trạng sốt giá do thiếu hàng. Thời gian này, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết; kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bán theo giá niêm yết, chống buôn lậu và gian lận thương mại”, anh Nguyễn Hữu Lợi cho biết.
Anh Nguyễn Văn Bé Hai, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa, chuyên phân phối hàng tiêu dùng, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật cho biết, năm nay công ty dự trữ lượng hàng hóa không tăng so với năm trước, dự đoán sức mua giảm 10-15%, giá thịt lợn không biến động.
Chuẩn bị phục vụ thị trường Tết, Công ty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa đã chủ động tìm kiếm nguồn hàng giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng và bán đúng giá niêm yết tại cửa hàng. Tổng giá cả hàng hóa phục vụ dịp Tết năm nay của công ty khoảng 25-30 tỷ đồng. Đồng thời, chủ động điều phối hàng hóa, can thiệp thị trường, chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa kịp thời phục vụ nhân dân trong vùng đón Tết.
Khảo sát cho thấy, dù tại các chợ nông thôn, thành thị hay những địa phương nhiều công nhân lao động, thị trường mua sắm dịp Tết cũng khá trầm lắng. Thậm chí tại nhiều nơi dù đang là thời điểm cận Tết nhưng sức mua được nhận định chỉ bằng khoảng 50% so với năm ngoái. Anh Trương Thái Phú, phụ trách Chợ phường 2 (khu phố 2, phường 2, thị xã Kiến Tường) cho biết, chợ có 350 sạp hàng đủ các mặt hàng thực phẩm, tạp hóa. Chợ có 54 sạp thịt lợn, sau dịch người dân ít đi chợ, hiện tình trạng bỏ sạp tại chợ tới 50%, sức mua của chợ chỉ bằng khoảng 50% so dịp này năm ngoái.
“Nhiều người bán ế, bỏ sạp, ra ngoài mặt đường khu trung tâm để thuê mặt bằng hoặc chiếm dụng vỉa hè mua bán, đoạn đường đó thuộc khu phố 1, phường 1. Hiện Ban quản lý chợ đang đề xuất địa phương nỗ lực dẹp những chợ tự phát, dọn dẹp mặt bằng phía trước chợ để cho bà con quay trở lại buôn bán, nhằm cải thiện tình trạng tiểu thương bỏ sạp ở chợ này nhưng lại đi chiếm dụng vỉa hè ở nơi khác để bán hàng”, anh Trương Thái Phú cho hay.
Bảo đảm bình ổn giá sản phẩm
Ghi nhận tại huyện Đức Hòa - huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh có 9 chợ truyền thống và hơn 20 cửa hàng tiện lợi, thời điểm này người dân đang mua sắm Tết nhưng sức mua không cao. Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Tạp hóa Thu Hà, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa cho biết, cận Tết nhưng giá cả không tăng như ngày thường, nhu cầu mua sắm ít, người dân ít đi chợ nên không dám lấy hàng nhiều. Bà Hà mong muốn những ngày cuối năm có nhiều người đi chợ, để giúp cho bà con tiểu thương không buôn bán ế ẩm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn huyện Đức Hòa không tăng nhiều so với những năm trước. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, ông Lê Thành Phong cho biết, địa phương đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là nguồn thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, rau củ quả các loại và những thứ cần thiết trong những ngày Tết, cho người dân tiếp cận nguồn hàng tươi, giá bình ổn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó về an sinh xã hội huyện cũng đã rà soát nhằm hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở lại ăn Tết tại Đức Hòa.
Bibica là một trong những doanh nghiệp bánh kẹo lớn nhất Việt Nam. Năm nay Công ty cổ phần Bibica chuẩn bị lượng hàng tương đương năm ngoái là 2.000 tấn sản phẩm với hơn 70 chủng loại hàng hóa các loại để đưa ra thị trường. Hiện tại, công ty đã tiêu thụ được khoảng hơn 80% sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho biết, Bibica có 140 nhà phân phối trên toàn quốc, phủ 100.000 điểm bán và toàn bộ 6.000 hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Với hệ thống phân phối như vậy, Bibica đảm bảo đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, chất lượng tốt nhất, giá cả bình ổn.
Năm nay nguyên liệu đầu vào như đường, bột chất béo tăng từ 20 -30%, cùng với đó sức mua của thị trường cũng giảm nhiều, nhưng Bibica chủ trương không tăng giá khoảng 90% mặt hàng, chỉ tăng giá nhẹ một số mặt hàng không quá 5%, ông Nguyễn Quốc Hoàng cho hay.
Giám đốc Sở Công Thương Long An, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, theo khảo sát, sức mua giảm khoảng 10% so với các năm trước. Tuy nhiên, nhằm tạo nguồn hàng hóa dồi dào với giá ổn định, Sở Công Thương đã triển khai cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn tạm trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm cho người dân. Các doanh nghiệp tham gia tạm trữ hàng hóa với tổng giá trị đạt khoảng 560 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 đại lý bách hóa tổng hợp góp phần tăng nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Công ty Lương thực Long An cũng luôn duy trì lượng hàng hóa tồn kho gồm gạo thường, gạo thơm từ 1.000 - 2.000 tấn, tổng giá trị khoảng 43 tỷ đồng tại các nhà máy và cửa hàng bán lẻ.
Cùng với đó, công ty có thể huy động khoảng 25.000 tấn gạo tồn kho thường xuyên để cung cấp ra thị trường khi có tình huống giá gạo tăng đột biến. Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, các doanh nghiệp cũng tăng cường mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu - cụm công nghiệp, với hình thức bán hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở vùng sâu, vùng xa và nhu cầu mua sắm của công nhân lao động.