Triển khai 100 điểm bán hàng bình ổn giá
Theo khảo sát tại nhiều siêu thị, cửa hàng buôn bán các mặt hàng thiết yếu tại tỉnh Ninh Bình, năm nay do dịch COVID-19 tác động đến thu nhập của người dân nên nhiều siêu thị, điểm bán hàng có kế hoạch giảm tỷ lệ hàng cao cấp mà thay vào đó là tăng nguồn hàng chất lượng, giá cả bình dân hơn để phục vụ đại trà nhu cầu người tiêu dùng. Các siêu thị trên địa bàn như Vinmart, GO! Ninh Bình... đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong dịp Tết, đồng thời cam kết thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.
Theo đại diện siêu thị GO! Ninh Bình, thành phố Ninh Bình, ngay từ trước tết 3 tháng, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng và triển khai chương trình khuyến mãi "Giá luôn luôn thấp" áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cam kết không tăng giá bán tết đối với hơn 10.000 sản phẩm tiêu dùng nhanh. Các chương trình này được siêu thị GO! Ninh Bình áp dụng với hàng ngàn sản phẩm như: bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang để góp phần kích cầu tiêu dùng.
Chị Đinh Thị Hà, chủ siêu thị Hà Dũng, thành phố Ninh Bình cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều siêu thị, cửa hàng có tâm lý lo ngại khi nhập hàng do sợ sức mua giảm. Thực tế, đến thời điểm này, doanh số siêu thị bán ra chỉ bằng 30% so với mọi năm. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất vẫn là các loại thực phẩm thiết yếu cho gia đình. Năm nay, siêu thị tham gia chương trình bình ổn giá do Sở Công Thương tỉnh phát động vì thế siêu thị đã được hỗ trợ từ băng zôn, biển niêm yết giá công khai và được hỗ trợ 1 phần lãi suất ngân hàng với khoản vay để nhập hàng dự trữ tết vì thế siêu thị cũng yên tâm để nhập lượng hàng hóa lớn. Với việc cam kết bán đúng giá, niêm yết giá công khai hy vọng sẽ góp phần giúp người dân yên tâm chọn lựa các mặt hàng và kích cầu nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, từ đầu tháng 1/2022, Sở đã lên kế hoạch thực hiện các chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với lượng hàng hóa có giá trị gần 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động khuyến khích lưu thông hàng hóa được Sở tập trung triển khai thực hiện vào dịp cuối năm bao gồm: các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Sở Công Thương tỉnh đã triển khai Đề án hỗ trợ bình ổn giá thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần nhằm hỗ trợ, giảm bớt các khó khăn cho các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nguyên đán trên địa bàn, đồng thời ổn định giá cả.
Theo đó, 6 đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký tham gia bán hàng bình ổn giá tại 100 điểm bán hàng tại 8 huyện, thành phố của tỉnh. Bên cạnh việc hỗ trợ băng zôn, biển niêm yết giá, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia được hỗ trợ lãi suất ngân hàng với khoản vay để nhập hàng dự trữ với số tiền 420 triệu đồng trong tháng 1,2/2022.
Ông Hoàng Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công xúc tiến thương mại và phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay hầy hết các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và cơ sở sản xuất kinh doanh đã có phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lượng hàng hóa chuẩn bị bình quân như năm trước chỉ riêng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi dự kiến chuẩn bị lượng hàng hóa tăng bình quân gần 15% so với năm trước tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.
Tại thời điểm hiện tại, sức mua hàng tiêu dùng bắt đầu tăng tuy nhiên giá cả các mặt hàng thiết yếu không những không tăng mà còn giảm nhẹ do nguồn cung đáp ứng tốt, chủng loại hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị...để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp điều tiết nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa.
Chuẩn bị sẵn các phương án
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng với từng cấp độ của dịch bệnh, Sở Công Thương tỉnh đã lên các phương án nhằm cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong trường hợp phải giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết để chủ động nguồn hàng cung cấp khi dịch bệnh gia tăng, Sở đã làm việc với một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên doanh theo từng ngành hàng, đề nghị các đơn vị tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 5-100% tùy theo cấp độ dịch, đồng thời sẵn sàng ưu tiên cung ứng hàng hóa đến các địa bàn cách ly hoặc giãn cách hoặc thông tin chỉ dẫn của ngành.
Qua khảo sát và làm việc, các đơn vị đã nhập, dự trữ và luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh khi có các tình huống dịch diễn ra. Trường hợp các đầu mối cung ứng hàng hóa tại địa phương không đáp ứng đủ số lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, tùy vào mức độ thiếu hụt cụ thể trong từng thời điểm, Sở Công Thương tỉnh sẽ phối hợp với Vụ Thị trường trong nước; Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh với các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở sản xuất để đặt hàng hoặc điều tiết hàng hóa từ địa phương khác cho thị trường Ninh Bình.
Ông Nguyễn Khải Hoàn khuyến cáo người dân, hiện nay, các cấp, các ngành đang tích cực thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ dần trở về trạng thái "bình thường mới" vì vậy, người dân không nên tích trữ nhiều hàng hóa, đồng thời thực hiện nghiêm thông điệp 5K để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch khi đi mua sắm.