Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc với nhiều cửa ngõ ra vào tỉnh. Vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng các mặt hàng của người dân tăng cao. Lợi dụng việc tiêu thụ hàng hóa của người dân, các đối tượng đã vận chuyển nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng qua đường tiểu ngạch, khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ và nhiều tuyến đường dẫn vào tỉnh để tiêu thụ. Các loại mặt hàng chủ yếu là trái cây, bánh, mứt, kẹo, đồ ăn chín, rượu, bia… và tập trung đưa vào tiêu thụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, dân tộc thiểu số.
Do vậy, Cục Quản lý thị trường Lai Châu đã xây dựng kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại mặt hàng được bày bán tại những cửa hàng lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh; rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa để thuận lợi quản lý; chỉ đạo 5 Đội Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chú trọng kiểm tra các mặt hàng như: bánh, kẹo, mứt, bia, nước ngọt, hoa quả, đồ ăn chín…
Đặc biệt, ở khu vực biên giới, cửa khẩu, các Đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển hàng hóa ra vào đường tiểu ngạch, khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng, khu vực tập kết hàng hoá ở chợ trung tâm cụm xã biên giới.
Còn ở những khu vực khác, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra tại các chợ trung tâm, siêu thị, cửa hàng buôn bán lớn nhỏ thuộc trung tâm huyện, thành phố, xã; chú ý đến các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh lân cận Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La… vào địa bàn tỉnh Lai Châu.
Thành phố Lai Châu có 3 siêu thị và hàng trăm cửa hàng lớn, nhỏ chuyên cung cấp thực phẩm, đồ dùng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, siêu thị Vinmax đã bày bán rất nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng trên quầy. Những mặt hàng này đều được cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng in trên bao bì.
Anh Lê Huy Dương, giám sát quầy hàng của siêu thị Vinmax cho hay, nhằm tạo địa chỉ tin cậy đối với khách hàng, đối với mặt hàng bánh kẹo, mứt, siêu thị luôn yêu cầu các nhân viên hàng ngày kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm để loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo sức khỏe. Còn mặt các loại mặt hàng khác, trước khi nhập hàng sẽ được check in mã vạch để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thu Hồng, ở phường Đông Phong, thành phố Lai Châu chia sẻ, là người nội trợ trong gia đình, chị luôn lựa chọn đến mua hàng tại siêu thị Vinmax. Hàng hóa ở đây chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn hơn ở chợ hay các cửa hàng nhỏ lẻ.
Cùng đó, lực lượng chức năng còn thường xuyên kiểm tra các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực chợ dân sinh nhằm đảm bảo thực phẩm, hạn chế xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, Đội đã tổ chức hàng chục lượt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng hóa. Đội cũng chú ý sau Tết sẽ tăng cường kiểm soát để kịp thời thu hồi các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng; nếu phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Năm 2021, Đội đã tiến hành kiểm tra 231 vụ, trong đó xử lý 99 vụ giảm 40 vụ so với năm 2020.
Năm 2021, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản được kiểm soát. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện việc niêm yết giá tại nơi bán hàng, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả nhãn hiệu; vi phạm trong lĩnh vực thuốc lá, rượu, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thú y, an toàn thực phẩm... Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã tiến hành kiểm tra 812 vụ; trong đó xử lý 319 vụ vi phạm, giảm 38% với 196 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hơn 2,5 tỷ đồng (phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng).