Cụ thể, Hà Nội sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593 ha xuống còn 140.000 ha. Cùng với đó, mở rộng diện tích trồng rau màu từ 32.907ha lên 38.000ha; cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; hoa, cây cảnh từ 8.500 ha lên 9.000 ha.
Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150.000 - 160.000 con, đàn lợn lên 1,8 - 2 triệu con. Đồng thời, trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương.
Bên cạnh đó, các vùng đất trũng, thấp sẽ được chuyển đổi sang mô hình lúa - cá, bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản 24.000 ha - 25.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như: trắm đen, cá lăng, cá điêu hồng, tôm càng xanh…
Ông Chu Phú Mỹ, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, mặc dù, bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội năm qua vẫn tăng 3,46%. Một trong những thành công của Hà Nội trong năm qua là phát huy hiệu quả các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản.
Cùng với việc vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm tại địa chỉ tên miền www.check.hanoi.gov.vn, thành phố hỗ trợ, hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.051 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản. Cùng đó, cấp 10.319 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 825 mã sản phẩm so với cuối năm 2020).
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại, Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có một số mô hình được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành nông nghiệp cũng đã nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, khảo nghiệm quy trình kỹ thuật, triển khai các mô hình trình diễn… qua đó thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, xây dựng những chương trình, kế hoạch cụ thể. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, do vậy cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Cùng với đó là ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm…