Theo đó, về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết thống nhất quan điểm, mục tiêu phát triển và phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc sớm phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là yêu cầu cấp thiết hiện nay để tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Đến năm 2030, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân địa phương gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc.
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, vùng, liên tỉnh bao gồm: Giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, trung tâm đầu mối về nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về khoản vay hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết nêu rõ việc tiếp nhận khoản vay, tiêu chí lựa chọn và danh mục dự án đầu tư, cơ chế tài chính của các dự án và các nội dung có liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật.