Theo đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Về các chỉ tiêu chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phấn đấu thực hiện cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,8 - 3%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%, có trên 240 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 91,5%; có trên 77% xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Với nhóm các chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung riêng là: kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 50 tỷ USD; tổng số hợp tác xã nông nghiệp xếp loại khá, tốt/tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước 13.650/21.000 hợp tác xã; số lượng sản phẩm đạt chuẩn thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP là 6.500 sản phẩm.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định và tập trung chỉ đạo thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý, Bộ sẽ tập trung thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển ngành nông nghiệp.
Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là: thúc đẩy sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng phát triển nông nghiệp số. Ngành chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.
Đồng thời, bộ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất. Ngành điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới và điều kiện thời tiết, dịch bệnh. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, gắn với phát triển kinh tế nông thôn, bộ sẽ thúc đẩy các ngành, nghề gắn với phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực theo 3 trục sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Bộ phối hợp hỗ trợ các làng nghề, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng hiện đại có sức cạnh tranh cao. Cùng với đó là giải quyết môi trường các cơ sở chế biến, làng nghề, ưu tiên xử lý ô nhiễm ở các làng nghề gần khu dân cư tập trung.
Phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là công trình thủy lợi, cảng cá, trung tâm nghề cá lớn, khu neo đậu tránh trú bão; dự án hạ tầng phòng, chống thiên tai; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kho bãi, bố trí địa điểm tập kết hàng hóa, phương tiện khu vực cửa khẩu biên giới sẽ được bộ chú trọng trong năm 2022.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng ngành, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong nông nghiệp. Thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, năng lực cạnh tranh cao tham gia mạng lưới sản xuất, kinh doanh và chuỗi giá trị toàn cầu; đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2021, ngành nông nghiệp phát triển nông thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, có sự chuyển biến rõ nét hơn trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, góp phần vào tăng trưởng chung cả nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Các chỉ tiêu Chính phủ giao đều đạt và vượt, như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,9%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 48,6 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 68,2% và có 213 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 76%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng.