Hà Nam tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới bền vững  

UBND tỉnh Hà Nam vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XIX về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, UBND tỉnh Hà Nam đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chú thích ảnh
Đường liên thôn tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm, Hà Nam) được bê tông hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, thương mại hiện đại, dịch vụ logistic và du lịch. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; phát triển đô thị, phấn đấu năm 2022 tỷ lệ đô thị toàn tỉnh đạt 38,1%. Tỉnh tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Nam chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh; xây dựng quốc phòng an ninh vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, tập trung thu hút vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, kiên quyết không để các dự án chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng; làm tốt công tác quy hoạch kinh tế - xã hội.

Hà Nam chú trọng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thu hút các nhà đầu tư liên kết sản xuất để đưa các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh vào các siêu thị, thị trường lớn.

Tỉnh phát triển quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tập trung thu hút các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn, đầu tư có chiều sâu, cung cấp các sản phẩm cho Khu Du lịch Tam Chúc; triển khai các giải pháp thu hút các trường đại học, cơ ở dạy nghề vào Khu Đại học Nam Cao.

Tỉnh rà soát, cải cách các thủ tục hành chính; quan tâm đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dành quỹ đất để xây dựng trường học phục vụ cho con em công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh, nắm chắc tình hình không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Lưu Thanh Tuấn
Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để xây dựng thành công nông thôn mới
Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để xây dựng thành công nông thôn mới

Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Tiền Giang, huyện Gò Công Tây huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt ứng phó, bảo vệ, giữ vững vùng xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN