Số lợn nhập khẩu từ Thái Lan đi bằng đường bộ qua Lào rồi nhập cảnh ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và về Nghệ An. Mỗi con có trọng lượng 90 - 130 kg/con; đơn vị nhập lợn sống là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đô Nghệ An, có trụ sở tại xã Hợp Thành, Huyện Yên Thành.
Tại khu cách ly kiểm dịch ở xóm 3, Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn đáp ứng được những yêu cầu điều kiện vệ sinh thú y nên được phép đưa đàn lợn sống nhập khẩu vào nuôi cách ly kiểm dịch. Tại đây, các cán bộ thú ky Chi cục Thú y vùng 3 đã tiến hành hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, giám sát, theo dõi sức khỏe động vật và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định. Trong vòng 5 ngày, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu để vận chuyển đến cơ sở giết mổ.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đô Nghệ An cho biết, số lợn này đã lên kế hoạch bắt cách đây 2 ngày tại các trang trại là đơn vị hợp tác với công ty. Do mẫu giấy kiểm dịch của hai nước Việt Nam và Thái Lan thay đổi nên phải làm lại dẫn đến chậm hơn dự kiến. Sau chuyến hàng đầu tiên này, mỗi ngày công ty sẽ có khoảng 4.000 - 5.000 con lợn sống nhập về Việt Nam. Dự kiến, giá bán ra thị trường sẽ 80.000 đồng/kg lợn hơi.
Ông Lã Đức Quỳnh - Chủ tịch Công ty cổ phần Nông sản Đức Tín - Chủ chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, các doanh nghiệp rất mong muốn có nguồn hàng ổn định cung cấp đầy đủ để phục vụ cho các lò mổ và những người buôn bán. Hy vọng giá thành ổn định, giảm giá mức thấp nhất có thể, góp phần bình ổn giá thịt lợn trong nước. Sau chuyến hàng đầu tiên này, lượng lợn sống nhập khẩu về Chợ đầu mối Hà Nam sẽ dồi dào và ổn định hơn.
Ông Lê Đình Huệ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 cho biết, về điều kiện nhập khẩu lợn sống, theo thỏa thuận giữa Cục Thú y hai nước Việt Nam và Thái Lan, những yêu cầu đối với lợn sống xuất khẩu của các công ty từ Thái Lan sang Việt Nam phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm; được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến các cửa khẩu của Việt Nam; phương tiện vận chuyển lợn phải được vệ sinh và tiêu độc khử trùng. Hiện nay, lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là lợn giống. Đây là chuyến hàng đầu tiên lợn thịt sống từ Thái Lan về Việt Nam mà Chi cục Thú y vùng 3 quản lý.
Từ ngày 12/6, các doanh nghiệp nhập khẩu đủ điều kiện của Việt Nam có thể thực hiện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Hiện có khoảng 15 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam.