Những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp được nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan

Chiều 11/6, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trao đổi thông tin với báo chí về việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu lợn sống chỉ làm việc về kiểm dịch với Cục Thú y và không có hạn ngạch. Đối với lợn thương phẩm to, sau khi về khu cách ly cần khoảng 5 ngày để xét nghiệm, nếu có kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi sẽ được đưa vào giết mổ ngay. Còn đối với loại lợn con thì sau 14 ngày có kết quả âm tính sẽ được tiêm phòng các loại bệnh và chuyển đi nơi khác để nuôi tiếp.

Để tránh lợn nhập lậu “núp bóng” dưới lợn nhập khẩu chính ngạch, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ giao cho cơ quan thú y báo cáo và sẽ có văn bản chỉ đạo về việc chấp hành các quy định về nhập khẩu lợn sống.

“Đối với các đơn vị đăng ký và được phép nhập khẩu, Cục Thú y phải công khai, minh bạch”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Về giá lợn nhập khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, chắc chắn giá lợn nhập khẩu sẽ thấp hơn giá lợn trong nước. Việc nhập khẩu lợn sống cũng phải đảm bảo lợi ích cho cả 3 đối tượng là người chăn nuôi, người tiêu dùng và đơn vị phân phối. Khi đảm bảo được cả 3 lợi ích, giá lợn cũng sẽ được đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô và Cục Thú y sẽ thông báo trước 1 tháng cho các đơn vị liên quan biết để chủ động thực hiện.

“Đến thời điểm cần thiết và phù hợp, các cơ quan chuyên môn sẽ phải tính toán dừng việc nhập khẩu lợn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án nhập khẩu lợn sống từ nước ngoài vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm, Cục Thú y đã tiến hành phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan trên cơ sở hồ sơ do cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan cung cấp kết hợp với đàm phán trực tuyến với Cơ quan Thú y Thái Lan.

Thái Lan đã cung cấp đủ 7 nhóm tài liệu chính theo yêu cầu của Cục Thú y, bao gồm: tài liệu về năng lực phòng thí nghiệm chẩn đoán xét nghiệm bệnh, kết quả giám sát và khống chế dịch bệnh, chương trình phòng, chống lở mồm long móng đã được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận, kết quả kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với lợn sống, hệ thống truy suất nguồn gốc, mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu…

Bên cạnh đó, Thái Lan đã thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng và được OIE công nhận (hiện chỉ có 6 quốc gia được OIE công nhận Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng).

Lợn nhập khẩu có nguồn gốc từ các trang trại và được quản lý theo tiêu chuẩn của Thái Lan về Thực hành Nông nghiệp tốt cũng như được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan kiểm soát; được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến các cửa khẩu trên đất liền theo quy định của Việt Nam. Phương tiện vận chuyển được vệ sinh và tiêu độc khử trùng bằng các phương pháp đã được cơ quan thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác của Thái Lan phê duyệt.

Hiện có 8 doanh nghiệp của Thái Lan được phép xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam. Các trang trại chăn nuôi này được quản lý theo tiêu chuẩn TSA 6403-2009 của Thái Lan về Thực hành Nông nghiệp tốt đối với trang trại chăn nuôi lợn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 12/6, các doanh nghiệp nhập khẩu đủ điều kiện có thể thực hiện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Đó là các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ được nhập khẩu lợn sống từ các trang trại của Thái Lan đã được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan tổ chức kiểm soát, xác nhận và đăng ký xuất khẩu với Cục Thú y Việt Nam.

Doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải có xe vận chuyển lợn chuyên dụng, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và phúc lợi động vật; đồng thời phải có cơ sở nuôi cách ly kiểm dịch đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Các cơ sở cách ly kiểm dịch đàn lợn nhập khẩu sẽ được các cơ quan thú y thuộc Cục Thú y tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, nếu bảo đảm yêu cầu theo QCVN 01-99:2012/BNNPTNT về điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch động vật mới được phép đưa đàn lợn nhập khẩu vào nuôi cách ly kiểm dịch. Cơ quan thú y tổ chức thực hiện cách ly kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định.

Về phí, lệ phí, chi phí xét nghiệm lợn trong nhập khẩu, Cục Thú y cho biết đã được quy định tại các quy định về phí, lệ phí, giá của Bộ Tài chính.

Bích Hồng (TTXVN)
Sẽ nhập khẩu lợn sống của Thái Lan từ ngày 12/6
Sẽ nhập khẩu lợn sống của Thái Lan từ ngày 12/6

Ngày 11/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN