Linh hoạt điều hành giá các mặt hàng thiết yếu giữ ổn định thị trường

Trước bối cảnh, giá cả thị trường trong nước leo thang mỗi ngày. Cùng với đó, yếu tố giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng mạnh và đứng ở mức cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch và bất ổn địa chính trị cũng đẩy giá leo thang, làm chậm thời gian giao và nhận hàng cũng là yếu tố gây áp lực lạm phát rất mạnh trong giai đoạn này.

Để xử lý các yếu tố bất lợi làm gia tăng lạm phát, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống, chúng ta cần đa dạng hoá nguồn cung nhằm đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và các sản phẩm tiêu dùng…

Để xử lý các yếu tố bất lợi làm gia tăng lạm phát trong năm 2022, phóng viên TTXVN đã cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Với tình hình giá cả trong nước và quốc tế hiện nay, ông đánh giá thế nào về các biện pháp điều hành giá của Chính phủ?

Chính phủ đã chủ động, khẩn trương nắm bắt diễn biến tình hình giá hàng hoá, đặc biệt là giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới và trong nước để chỉ đạo và điều tiết kịp thời phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo điều hành giá và các cơ quan chức năng liên quan đã theo dõi sát tình hình, đưa ra những chỉ đạo kịp thời, trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp điều hành hướng tới mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đã phê duyệt.

Chẳng hạn, biến động giá xăng dầu đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Công điện nêu rõ: “Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật”.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động, quyết liệt trong điều hành cân đối cung, cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương khẩn trương triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COIVD-19 và căng thẳng Nga-Ukraine. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa chỉ đạo sửa đổi các nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu để nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết một số bất cập xảy ra thời gian vừa qua.

Cùng với đó, Bộ Tài chính khẩn trương soạn thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh mức thuế môi trường đối với xăng dầu.

Ngày 14/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với bộ, ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Thực tế cho thấy các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn kịp thời, bám sát diễn biến thị trường để bình ổn giá hàng hoá và dịch vụ, giữ ổn định vĩ mô.

Thưa ông, ông vừa đề cập tới chỉ đạo của Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, ông có thể nêu rõ các giải pháp điều hành một số mặt hàng này trong thời gian vừa qua như thế nào?

Các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế... có vai trò quan trọng trong ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.

Chẳng hạn đối với mặt hàng xăng dầu hiện đang chịu áp lực rất lớn về  biến động tăng, giảm bất thường của giá dầu thế giới và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã điều hành nhằm ổn định nguồn cung, tổ chức nắm bắt thông tin về dự báo giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp.

Cùng với đó, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong các kỳ có biến động lớn. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Các ngành chức năng cũng đã phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; tăng cường chống buôn lậu xăng dầu.

Bên cạnh năng lượng, giá các mặt hàng nguyên liệu, đặc biệt giá kim loại công nghiệp thế giới tăng cao trong thời gian qua. Giá thép xây dựng trong nước đã tăng và có thể tiếp tục tăng khi các công trình trọng điểm được đẩy nhanh triển khai. Từ đầu năm đến nay, giá thép cây đã tăng 6 lần, đắt hơn 2 triệu đồng/tấn; thép cuộn đã tăng 7 lần, đắt hơn 2,45 triệu đồng/tấn so với thời điểm cuối năm 2021.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất; đồng thời, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước; Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành tăng cường theo dõi, cập nhật biến động giá vật liệu xây dựng, kịp thời đề xuất biện pháp bình ổn thị trường. 

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay những yếu tố bất lợi nào có thể gia tăng lạm phát cho nền kinh tế và giải pháp ứng phó như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế nước ta có độ mở lớn, 37% nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất phải nhập từ bên ngoài  trong bối cảnh giá nguyên, nhiên vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá lương thực thế giới tăng cao, vượt dự báo của nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh hàng hoá quốc tế. Bên cạnh xăng dầu, giá các loại kim loại công nghiệp tăng cao, lập kỷ lục mới như: giá nikel tăng gấp đôi, đạt mức 33.820 USD/tấn; chỉ số giá lương thực của FAO đạt mức 140,7 điểm, cao nhất trong 6 thập kỷ qua, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh yếu tố giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng mạnh và đứng ở mức cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch và bất ổn địa chính trị cũng đẩy giá leo thang, làm chậm thời gian giao và nhận hàng cũng là yếu tố gây áp lực lạm phát rất mạnh trong giai đoạn này.

Để xử lý các yếu tố bất lợi làm gia tăng lạm phát, chúng ta cần đa dạng hoá nguồn cung nhằm đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và các sản phẩm tiêu dùng. Ngành ngân hàng cung cấp đủ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, cần điều tiết thuế, phí và các chính sách khác có liên quan để giảm tốc độ tăng giá; đồng thời cộng đồng doanh nghiệp sắp xếp, tiết giảm các chi phí liên quan tới sản xuất, lưu thông sản phẩm để cắt giảm chi phí sản xuất.

Phóng viên: Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện gói hỗ trợ kinh tế trị giá 350 nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, khi đó lượng tiền đưa vào lưu thông rất lớn, gây lạm phát, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Jean Bodin, nhà kinh tế học, cha đẻ lý thuyết định lượng tiền tệ đưa ra luận điểm: lạm phát trong mọi lúc, mọi nơi đều là hiện tượng của lưu thông tiền tệ. Lạm phát xuất hiện và chỉ có thể xuất hiện khi nào số lượng tiền tệ trong lưu thông tăng lên với nhịp độ nhanh hơn so với sản xuất.

Điều này đã được kiểm chứng với kinh tế Mỹ, đặc biệt trong năm 2021 và hai tháng gần đây khi lạm phát tháng 2 năm 2022 của Mỹ tăng 7,9%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Nguyên nhân lạm phát tại Mỹ tăng cao là do Cục dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất cơ bản gần bằng không, Fed bơm 120 tỷ USD/tháng vào nền kinh tế qua việc mua trái phiếu.

Hiện nay, có nhiều ý kiến lo ngại việc Chính phủ triển khai thực hiện gói hỗ trợ kinh tế với quy mô 350 nghìn tỷ sẽ tạo ra cung tiền rất lớn trên thị trường, gây lạm phát cao cho nền kinh tế. Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ có thể hạn chế cung tiền cũng như giảm quy mô các gói kích cầu hiện tại để hạn chế phần nào lạm phát trong giai đoạn này.

Theo tôi, xét về cung tiền thì sức ép từ gói hỗ trợ này không lớn. Cụ thể, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng thực hiện trong 2 năm với cơ cấu: chính sách tài khoá chiếm 83%, tương đương với 291 nghìn tỷ; chính sách tiền tệ chiếm 14%, tương đương với 52,5 nghìn tỷ, trong số 52,5 nghìn tỷ có gói cấp bù lãi suất 40 nghìn tỷ đồng thực chất không trực tiếp chuyển tiền cho doanh nghiệp để đưa vào lưu thông và hỗ trợ khác chiếm 3%.

Nguyên nhân gây lên lạm phát năm nay do thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao của nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, đặc biệt nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu đáp ứng cho tổng cầu tăng đột biến do đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng mạnh. Bên cạnh đó, thực hiện gói 350 nghìn tỷ tác động đến lạm phát còn do đứt gẫy chuỗi cung ứng thế giới và trong nước khiến cho giá nguyên, nhiên vật liệu tăng và đứng ở mức cao nhất là giá xăng dầu, chất đốt, thép xây dựng, lương thực, thức ăn chăn nuôi, phân bón…. Thêm nữa thiếu hụt lao động cũng là yếu tố gây lạm phát. Cơ cấu gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ được “thiết kế tinh tế”, phản ánh năng lực xây dựng chính sách tốt của một số bộ, ngành, có nhiều gói không gây nên lạm phát do cung tiền.

Thêm nữa Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp và kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả nên nhiều năm qua, lạm phát của Việt Nam không do yếu tố tiền tệ. Nhìn vào cơ cấu gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ cho thấy Chính phủ đã nghiên cứu kỹ, đưa ra các giải pháp kịp thời, phù hợp với bối cảnh và tình hình kinh tế của đất nước nhằm giữ ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu CPI tăng khoảng 4%. Đây là quyết tâm cao của Chính phủ, theo ông cần có những giải pháp gì để đạt mục tiêu này?

Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu của nền kinh tế; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, linh hoạt với diễn biến thị trường góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khoá và các chính sách khác.

Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí, nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, giảm áp lực lạm phát từ xăng dầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương xây dựng và thực thi các phương án đảm bảo đủ nguồn cung các mặt hàng quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, buôn lậu gây rối loạn thị trường; nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.

Cùng với đó, các địa phương xử lý nghiêm việc đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Quyết định chính xác thời điểm, mức độ điều chỉnh giá điện, dịch vụ do nhà nước quản lý tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hiền  (TTXVN)
Giá cả hàng hóa đua nhau tăng: Giải pháp nào để bình ổn thị trường?
Giá cả hàng hóa đua nhau tăng: Giải pháp nào để bình ổn thị trường?

Giá xăng lập đỉnh tiến sát mốc 30.000 đồng/lít khiến giá cả nhiều dịch vụ, mặt hàng tiêu dùng tăng theo, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN