Các lực lượng chức năng, các địa phương ven biển, các bộ, ngành đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU. Vậy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị Biên phòng thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa Đại tá?
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng luôn xác định tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống khai thác IUU, thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản để triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU. Trong đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có Kế hoạch số 399/KH-BĐBP về việc tổ chức triển khai thực hiện đợt cao điểm chống khai thác IUU đến hết tháng 4/2024, là thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5.
Trong kế hoạch này, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện phối hợp với Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực nhiệm vụ chống khai thác IUU. Chủ động điều chỉnh, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện tăng cường cho các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng trọng điểm và thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động tại các đảo, cửa sông, cửa lạch nơi tập trung nhiều tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác, không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đảm bảo 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định.
Nhiệm vụ trọng tâm nữa là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo các mô hình, chuyên đề, chuyên sâu về chống khai thác IUU. Bộ đội Biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kế hoạch nghiệp vụ, xây dựng, sử dụng lực lượng mật, rà soát, phân loại, lập hồ sơ quản lý chặt chẽ các tàu vi phạm, nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài; phát hiện từ sớm các dấu hiệu, hành vi vi phạm IUU để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Đồng thời với các nhiệm vụ trên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng duy trì tốt các kênh thông tin, thông báo, trao đổi tình hình, phối kiểm thông tin với các lực lượng chức năng, địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác đấu tranh chống khai thác IUU và tính đến thời điểm này toàn bộ 32 đơn vị đã xây dựng, triển khai công tác này.
Thay đổi nhận thức của người dân được cho là có ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Bộ đội Biên phòng đã làm thế nào để ngư dân nâng cao nhận thức, không vi phạm về khai thác hải sản và kết quả ra sao, thưa Đại tá?
Để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng IUU là việc làm khó khăn, vì ngư dân ta khai thác hải sản vẫn mang tính “tự phát”. Để hướng tới ngành khai thác hải sản “bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát”, Bộ đội Biên phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân theo các mô hình, chuyên đề, chuyên sâu về chống khai thác IUU.
Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng và đăng, phát sóng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố ven biển hằng tuần xây dựng và phát sóng các chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới biển đảo”; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, các mô hình có ý nghĩa, hiệu quả thiết thực đã được thành lập. Nổi bật như các mô hình: “Tổ tàu thuyền an toàn”, “Tổ tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới biển”, “Tổ tuyên truyền khu vực biên giới biển”; “Tổ, đội sản xuất an toàn trên biển”; “Câu lạc bộ phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”, “Khu dân cư vùng giáo tiên tiến và an toàn về an ninh, trật tự”; “Ăn sáng cùng ngư dân”, “Tiếng loa Biên phòng”.
Bộ đội Biên phòng đã xây dựng pano, áp phích, khẩu hiệu, tranh cổ động, in ấn tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về công tác đấu tranh chống khai thác IUU cấp phát cho ngư dân; giao nhiệm vụ cho đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển tiến hành tuyên truyền, vận động đối với các chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh hải sản, các chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết khai thác, sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Kết quả minh chứng nhất là tình trạng tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm dần hằng năm. Đặc biệt là việc vi phạm vùng biển các nước thuộc quốc đảo Thái Bình Dương như: Australia, Cộng hòa Palau, New Caledonia, Papua New Guinea đã chấm dứt từ năm 2018.
Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác làm thế nào để cùng ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài, thưa Đại tá?
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Quốc phòng về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.
Trong đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng tuyến biển tiếp tục thực hiện đợt cao điểm chống khai thác IUU đến hết tháng 4/2024. Các biện pháp nghiệp vụ, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm được triển khai đồng bộ; tập trung công tác trinh sát, xây dựng, sử dụng lực lượng mật, rà soát, phân loại, lập hồ sơ quản lý chặt chẽ các tàu vi phạm, nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài; phát hiện từ sớm các dấu hiệu, hành vi vi phạm IUU để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Phát huy hiệu quả hệ thống VMS, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển, nắm rõ từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối, kịp thời yêu cầu tàu cá vượt ranh giới quay về vùng biển Việt Nam.
Một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nữa là chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, củng cố lại toàn bộ danh sách, hồ sơ xử phạt vi phạm IUU và thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản về số liệu tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để sẵn sàng cung cấp, phối hợp cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng làm việc với Đoàn Thanh tra EC. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, các cảng cá để chuẩn bị tốt phương án làm việc với Đoàn EC tại cảng biển chỉ định theo quy định của Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA).
Vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình kiếm sống của ngư dân, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Vậy, Bộ đội Biên phòng đã triển khai những biện pháp công tác nào để hỗ trợ ngư dân bám biển, phối hợp với lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc?
Ngư dân vươn khơi bám biển vừa khai thác nguồn lợi hải sản, vừa góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Chính vì vậy, Đảng, Chính phủ ta rất quan tâm đến đời sống của ngư dân và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con, đặc biệt là Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng sự hiện diện của tàu cá và ngư dân trên vùng biển xa, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 của Việt Nam nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp, phát huy hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, trợ giúp ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển xa biết cách phòng, chống thiên tai và khi có tình huống xảy ra tự bảo vệ trước khi có sự trợ giúp của lực lượng chức năng. Lực lượng Biên phòng phối hợp với Cảnh sát biển, Hải quân hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi bị lực lượng chức năng nước ngoài kiểm soát, bắt giữ tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam với các nước có vùng biển tiếp giáp.
Bộ đội Biên phòng khai thác hiệu quả hệ thống VMS để phục vụ nhiệm vụ chống khai thác IUU; đồng thời nhằm phát hiện tàu cá của ngư dân ta khi hoạt động trên biển gặp sự cố, tai nạn để kịp thời thông báo, phối hợp với các lực lượng có liên quan có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.
Hiện nay, trên 28 tỉnh, thành phố ven biển, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với ngành Thủy sản, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng thành lập và duy trì hoạt động của 3.188 tổ tàu thuyền với 23.154 tàu và 88.760 người; 400 tổ Bến bãi tự quản với 24.161 thành viên. Đây là mô hình hiệu quả về năng suất khai thác hải sản, hoạt động theo tổ, nhóm để hỗ trợ nhau và kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng về các thông tin liên quan đến chủ quyền, an ninh trật tự trên biển, cùng với các lực lượng chức năng hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, lực lượng chức năng luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của ngư dân trong quá trình hoạt động nghề cá trên biển.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!