Làm rõ trách nhiệm dự án “đội vốn”

Chỉ thị hỏa tốc ngày 30/4 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong các dự án bị đội vốn không thuộc các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư quy định tại Luật Đầu tư công. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã rà soát các dự án của ngành để tiết giảm vốn, không để đội tổng mức đầu tư.

Giảm cả ngàn tỷ đồng sau rà soát

Dự án giao thông “đội vốn” dường như đang là điệp khúc hiện nay. Khi đệ trình xin tăng vốn, nhiều chủ đầu tư viện đủ lý do khách quan, do thời gian thi công, giải phóng mặt bằng chậm, khó tìm nguồn nguyên liệu, khiến công trình kéo dài, giá cả nguyên vật liệu tăng... cộng chi phí khắc phục thiên tai, hỏa hoạn... Trong khi nguyên nhân chủ quan thường bị “ẩn” vì năng lực nhà thầu hạn chế.

Dự án đường sắt trên cao đang gặp nhiều khó khăn về tiến độ.


Qua rà soát của Bộ GTVT, nhiều dự án chỉ vừa mới khởi công đã vượt tổng mức vốn đầu tư, thậm chí đến 2 - 3 lần. Đơn cử như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi ký hợp đồng BOT chỉ khoảng 24.500 tỷ đồng, nhưng sau vài năm chậm thi công đã “đội vốn” lên gần 50.000 tỷ đồng. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới đầu cũng chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng, nhưng khi hoàn thành đã tăng lên gần 8.900 tỷ đồng... Hay như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là trường hợp điển hình về “đội vốn” hiện nay đang được dư luận quan tâm nhất. Dự án này hiện đã được “nới” lên tới gần 868 triệu USD (tăng khảng 315,18 triệu USD)...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Dương Viết Roãn cho biết: Nguyên nhân “đội vốn” chủ yếu do việc chọn quy mô đầu tư dự án hiện nay chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Đó là trên hồ sơ, còn nguyên nhân “chìm” khó có bằng chứng. Tuy nhiên, dự án “đội vốn” đều làm ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư, dù từ nguồn nào và dễ tạo tiền lệ cho các dự án khác. Tại cuộc họp mới đây về tiến độ, chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A, QL14, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nhấn mạnh: Việc đội giá khiến bài toán huy động vốn và hoàn vốn của các dự án gặp nhiều khó khăn, phải xin nhiều cơ chế tháo gỡ. Do đó, dự án nào tới đây chi vượt dự toán, thì chủ đầu tư tự bỏ tiền ra trả, nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm.

Quán triệt khẳng định này, Bộ GTVT tập trung rà soát tất cả các dự án đã, đang và sắp triển khai. Nhờ vậỵ, nhiều dự án không những hết khả năng “đội vốn” mà còn tiết giảm ngân sách lớn. Tiểu dự án cầu vượt tại Hà Tĩnh do một công ty con của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) làm chủ đầu tư, dự toán thiết kế với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng, nhưng sau khi rà soát chỉ còn 90 tỷ đồng, giảm tới 71 tỷ đồng. Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa qua rà soát cũng tiết giảm được tới hơn 3.700 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn gần 16.500 tỷ đồng. Các tiểu dự án mở rộng QL1 Dốc Xây - Thanh Hóa giảm gần 330 tỷ đồng...

Thay ban quản lý dự án yếu kém

Qua rà soát hàng loạt các dự án đã và đang triển khai và sau những chuyến “vi hành” của Bộ trưởng, các Thứ trưởng phụ trách gần đây, Bộ GTVT đã quyết định thay hàng loạt các ban quản lý dự án để tiến độ “dậm chân tại chỗ” hoặc kéo dài dẫn đến nguy cơ tăng vốn.

Công bố xếp hạng nhà thầu xây lắp Ngày 5/5, Bộ GTVT đã chính thức công bố kết quả đánh giá xếp hạng các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định đầu tư năm 2014. Theo công bố, có 442/515 nhà thầu xây lắp đáp ứng yêu cầu; 30/515 nhà thầu xây lắp xếp hạng ở mức độ đáp ứng trung bình và 43/515 nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu. Các nhà thầu thuộc danh sách hàng đầu đáp ứng yêu cầu, gồm: Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4), Tổng Công ty Thăng Long... Các nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu điển hình là: Công ty CP TV ĐTTM&XD 499, Công ty CP Long Việt, Công ty CP XD&TM 299... Kết quả đánh giá này là một trong các tiêu chí để Bộ GTVT xem xét trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với 43 nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng chưa đến mức phải chấm dứt hợp đồng, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA phải có biện pháp xử lý nhà thầu theo thẩm quyền để “lấy công chuộc tội”, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ các gói thầu, dự án đang triển khai. Nếu tiếp tục “mắc lỗi” trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ có quyết định chấm dứt hợp đồng.

Tại dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn qua Bình Định và Phú Yên, dự án khiến dư luận bức xúc vì ì ạch, làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư vùng dự án đi qua, Bộ GTVT đã thay thế Ban Quản lý dự án 2 bằng Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh để tăng tốc thi công. Nhờ vậy, dự án đến nay đang băng băng về đích và dự kiến sẽ sớm 1 năm so với kế hoạch.

Đối với dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT đã trả lại cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu số 5 và khẩn trương giải quyết đơn giá đối với gói thầu số 1. Được biết, tại gói thầu số 1 do giá vật liệu lên cao, nên các nhà thầu xin được điều chỉnh giá, khiến dự án tăng vốn. Sau khi tháo gỡ các khó khăn, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư tập trung lực lượng thi công để thông xe vào tháng 10/2015. Đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đi kiểm tra dự án này đã bức xúc về việc dự án thi công kéo dài làm tăng vốn. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã ra quyết định loại bỏ nhà thầu làm việc theo kiểu "tay không bắt giặc" tại dự án này...

Với sự quyết liệt như Chỉ thị 07/CT - TTg của Thủ tướng vừa ban hành, việc kiểm soát dự án “đội vốn” rõ ràng là yêu cầu cấp bách và đã đến lúc phải làm nghiêm để chấm dứt tiền lệ cứ thi công rùa bò rồi tìm cơ hội xin vốn.

Tiến Hiếu

“Truy” dự án đội vốn
“Truy” dự án đội vốn

Tình trạng đội vốn tại các công trình giao thông đã diễn ra từ nhiều năm nay tại hầu hết các dự án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN