Đối với các dự án giao thông phải điều chỉnh vốn đầu tư, chậm tiến độ thi công gây thiệt hại về kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết sẽ công khai chấn chỉnh xử lý nghiêm.
Nóng chuyện dự án “đội” vốn
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc nhà thầu Tokyo (Nhật Bản) yêu cầu chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân - dự án giao thông trọng điểm vốn ODA tại Hà Nội phải trả thêm chi phí phát sinh hơn 150 tỷ đồng cho nhà thầu vì chậm trễ giải phóng mặt bằng (GPMB) làm chậm tiến độ dự án so với dự kiến. Đây là tiền lệ không có lợi cho những công trình trọng điểm nếu chậm tiến độ trong thời gian tới.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có nguy cơ chậm tiến độ. |
Một dự án đáng chú ý của Hà Nội là dự án đường 5 kéo dài được triển khai từ năm 2005, dự kiến hoàn thành vào năm 2008, nhưng đến nay, dự án đã chậm tiến độ 5 năm, đã “đội” vốn lên gần gấp đôi, từ 3.500 lên 6.600 tỷ đồng. Dự án này mới được thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào quý II/2014.
Theo Bộ GTVT, cả nước đang có 30 công trình đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy trọng điểm, với tổng kinh phí khoảng 653.000 tỷ đồng. Đến nay, mới chỉ có 7 dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng như: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Hồ Chí Minh giai đoạn I, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Láng - Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, cảng hàng không Phú Quốc, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Còn lại, hầu hết các dự án đường bộ đang chậm tiến độ, như: Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án Bến Lức - Long Thành, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Nhật Tân... do vướng GPMB. Còn các dự án đường không, đường sắt, đường thủy chậm tiến độ do thiếu mặt bằng, vốn đối ứng.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, các dự án của ngành GTVT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã thực hiện được khoảng 6.500/6.277 tỷ đồng được giao; dự án sử dụng vốn nước ngoài thực hiện được khoảng 4.589/3.005 tỷ đồng kế hoạch được giao; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện khoảng 3.850/7.252 tỷ đồng... Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho ứng trước 10.780 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2014 từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để tiếp tục thực hiện các dự án đang dang dở.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Bộ đang triển khai mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 14 theo Nghị quyết của Chính phủ, song các dự án giao thông trên tuyến này đều đang bị "đội" giá do chậm GPMB.
Chưa hết, hầu hết các công trình giao thông chậm tiến độ ngoài nguyên nhân vướng GPMB, còn có hiện tượng nhà thầu bỏ giá thấp, đến khi thi công mới bộc lộ yếu kém, như dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng... “Các nhà thầu bỏ giá thầu thấp bằng mọi giá để trúng thầu, nhưng khi trúng thầu, giá thấp quá không làm được lại bỏ bê hoặc thuê các nhà thầu phụ năng lực yếu kém...”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ban hành Chỉ thị 17/CT - BGTVT (ngày 9/9/2013) về tăng cường quản lý chất lượng đầu tư và thực hiện các dự án giao thông do Bộ GTVT quản lý, đầu tư, nhằm chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT, các Ban Quản lý dự án, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; tăng cường trách nhiệm trong khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt dự án. Đối với từng dự án, hợp đồng tư vấn phải quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm về chất lượng công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, trường hợp vi phạm hợp đồng thì tư vấn phải chịu toàn bộ trách nhiệm.
Đặc biệt, đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, trường hợp phải thay đổi giải pháp thiết kế dẫn đến điều chỉnh dự án do vượt mức đầu tư được duyệt thì người đứng đầu đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật. Bên cạnh đó, các hạng mục bổ sung chỉ được xem xét khi các mục tiêu của dự án đã cơ bản hoàn thành và phải được cấp quyết định đầu tư chấp thuận. Riêng đối với các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, khi trình Bộ GTVT, dự án phải báo cáo rõ nguyên nhân điều chỉnh và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Bộ GTVT sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và coi đây là tiêu chí quan trọng đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các đơn vị này.
Theo các chuyên gia, các dự án giao thông sử dụng vốn ODA, vốn đối ứng lấy từ ngân sách chủ yếu phục vụ GPMB. Khi phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư thay đổi, làm “đội” vốn GPMB, ngân sách chưa bố trí kịp khiến dự án gặp rủi ro về tài chính. |
Tiến Hiếu