Việc lạm phát tăng không chỉ khiến người dân “nghèo đi”, gánh nợ tăng lên khi lương không bắt kịp nhịp tăng của lạm phát, mà còn làm tăng khả năng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát trước khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Theo thống kê mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) tại Anh trong tháng 8 đã bất ngờ tăng lên 2,7%, mức cao nhất trong nửa năm qua, do 3 yếu tố chính. Thứ nhất là giá vận tải đường biển và hàng không gia tăng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng 1,4% và giá dầu điện tăng 1,2%.
Thứ hai, giá quần áo, đặc biệt là quần áo phụ nữ và trẻ em, tăng đặc biệt mạnh. Chỉ riêng giá mặt hàng này đã đủ khiến CPI tăng thêm 0,1 điểm %. Yếu tố thứ ba khiến lạm phát tăng mạnh là các chi phí giải trí và văn hóa khi tăng 0,6% trong hai tháng 7 và 8, đặc biệt là giá vé xem nhạc, nhạc kịch và trò chơi điện tử.
Trưởng bộ phận kinh tế thuộc Phòng thương mại Anh, ông Suren Thiru bày tỏ lo ngại rằng Brexit “không thỏa thuận” có thể khiến đồng bảng rớt giá mạnh, châm ngòi cho lạm phát gia tăng trong những tháng tới và kéo theo những khó khăn về mặt tài chính cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Nếu lạm phát tiếp tục tăng nhanh hơn tiền lương, sẽ có thêm nhiều người dân Anh lâm vào cảnh nợ nần.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trước đó đã dự báo lạm phát sẽ dần dịu lại trong năm 2018, khi tác động của việc đồng bảng xuống giá giảm bớt. Tuy nhiên, lạm phát vẫn không hề giảm từ tháng 4 đến nay.
Các bên tham gia thị trường cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ phải can thiệp để kiềm chế lạm phát. Theo họ, khả năng BoE nâng lãi suất trước Brexit hiện đã tăng lên mức 39%, mặc dù có ý kiến cho rằng triển vọng đàm phán Brexit không rõ ràng sẽ buộc BoE tạm ngừng tất cả quyết định nâng lãi suất trước thời điểm tháng 3/2019.