Mặc dù, còn có một số ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, nhưng ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất kỳ vọng, sau khi Luật Đầu tư công được Quốc hội xem xét và thông qua sẽ tạo được sự cởi mở và thông thoáng hơn nhiều đối với việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này.
Hiện nay, có một số ý kiến của các bộ, ngành và địa phương cho rằng, một trong những bất cập trong bố trí vốn hiện nay là việc phân bổ vốn; đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Nhận xét này cần phải tìm hiểu một cách sâu hơn, cụ thể hơn về cách bố trí vốn như thế nào. Bố trí vốn là một trong những hoạt động của việc kế hoạch hóa đầu tư công; trong đó, có mấy bước. Phân bổ ở cấp Trung ương, tức là sau khi phân bổ dự toán cho từng đơn vị để trình Quốc hội thông qua, thì số dự toán đó sẽ được giao cho từng bộ, ngành và địa phương để phân bổ cụ thể cho từng dự án thực hiện.
Như vậy, chu trình từ khi Quốc hội thông qua đến khi bố trí vốn, giao vốn kế hoạch cụ thể cho từng dự án thì đến nay cũng đã thực hiện rất tiến bộ; đặc biệt là năm 2018 với việc áp dụng của hệ thống trực tuyến, hệ thống đầu tư công thì việc giao vốn này được đẩy nhanh.
Điển hình năm 2018, vốn đầu tư công đã được giao ngay trước 31/12/2017. Như vậy, việc bố trí vốn hàng năm đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, tôi có thể hiểu rằng, một số ý kiến nhận định trên, có thể là liên quan đến bố trí vốn của kế hoạch trung hạn. Ở đây, chúng ta cần phân biệt giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và kế hoạch hàng năm là có sự khác biệt rất lớn.
Vì việc phân bổ vốn, bố trí vốn hay giao kế hoạch trung hạn, đấy là hạn mức dự kiến mà chúng ta sẽ phải thực hiện trong 5 năm.
Tuy nhiên, để triển khai cụ thể và có thể giải ngân được thì phải thực hiện bằng kế hoạch hàng năm. Và khi kế hoạch hàng năm đã được giao kế hoạch xong thì các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung để thực hiện và đôn đốc việc giải ngân cụ thể đối với từng dự án.
Chúng ta không thể nói việc bố trí vốn trong trung hạn ảnh hưởng đến giải ngân hàng năm được. Hai việc này cần được phân biệt rõ ràng.
Hiện nay, trong Luật Đầu tư công có nhiều quá nhiều các quy định về đầu tư, đây cũng một trong những nguyên nhân khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm, ông có đồng tình về vấn đề này không?
Hiện, chúng tôi đã xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; trong đó, có một số điểm khá thú vị, đó là những quy định của Luật Đầu tư công.
Tôi cũng khẳng định là khi ban hành Luật Đầu tư công, có rất nhiều những thủ tục mới và làm cho việc phê duyệt dự án từ chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư chặt chẽ hơn và hạn chế được đầu tư dàn trải, tránh được những quyết định đầu tư tùy tiện như trước đây. Đó là khẳng định về sự tiến bộ của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, việc thủ tục phức tạp cũng kéo theo hệ lụy đó là thời gian để hoàn thiện hồ sơ một dự án là rất lâu. Mặc dù vậy, Luật Đầu tư công chỉ tác động đến khi dự án được phê duyệt. Đến khi dự án được phê duyệt xong và vào được kế hoạch thì lúc đó mới là vấn đề giải ngân.
Với ý kiến cho rằng Luật Đầu tư công ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân của vốn đầu tư công thì qua đánh giá, rà soát cho thấy không hoàn toàn là như vậy, mà chỉ có 1 phần; trong đó, có 2 yếu tố: một là vấn đề điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công không thể cứng nhắc, trong quá trình thực hiện có thể phát sinh vấn đề gì thì cần có sự điều chỉnh linh hoạt. Đúng là việc điều chỉnh đó phải trải qua rất nhiều cấp từ địa phương đến Trung ương rồi đến Thủ tướng, như vậy mất rất nhiều thời gian và giảm đi tính linh hoạt.
Trong Luật Đầu tư công sửa đổi lần này, Ban soạn thảo đã đề xuất và phân cấp vấn đề này linh hoạt hơn. Đến khi một dự án mà không giải ngân hết thì các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động điều chỉnh sao cho dự án giải ngân tốt hơn. Như vậy, vốn sẽ giải ngân nhanh hơn.
Vấn đề thứ 2 là giải ngân theo thời hạn. Luật hiện hành là cho giải ngân 2 năm, ít nhiều cũng tạo ra tâm lý hơi bình tĩnh quá của các bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện năm nay hoặc năm sau. Nhưng đề xuất của Luật Đầu tư công sửa đổi thì đã đề xuất là giải ngân chỉ thực hiện trong thời gian 1 năm. Với thời gian 1 năm, cũng sẽ là sức ép cho các bộ, ngành, địa phương tập trung hơn trong việc giải ngân.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công cũng đề ra một giải pháp rất căn cơ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đó là làm tốt việc chuẩn bị dự án đầu tư, để đến khi chuẩn bị xong dự án, lúc đó chỉ cần phê duyệt xong là có thể thực hiện được ngay mà không cần chờ đợi thêm thủ tục nào khác.
Trong nhiều cuộc họp gần đây với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có chỉ đạo các dự án mà chậm triển khai có thể điều chuyển vốn cho các dự án khác đang triển khai tốt và đúng tiến độ. Vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai ý kiến chỉ đạo này như thế nào?
Đúng là Phó Thủ tướng có yêu cầu chỉ đạo việc rà soát rất chi tiết tiến độ giải ngân của các dự án của các bộ, ngành, địa phương và trong các Nghị quyết của các phiên họp Chính phủ thường kỳ có yêu cầu các địa phương rà soát để có sự điều chuyển theo đúng trình tự thủ tục hiện hành. Mặc dù, trình tự hiện nay hơi phức tạp, như phải qua nhiều cấp, ví dụ: điều chỉnh từ ngành nọ sang ngành kia, từ giao thông sang thủy lợi, từ giáo dục đào tạo sang giao thông... thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền và quy định của Luật Đầu tư công.
Mặc dù, quy định chặt chẽ là vậy nhưng cần phải triển khai sớm để còn điều chỉnh phù hợp để làm sao vốn được dịch chuyển từ chỗ kém hiệu quả hơn sang chỗ giải ngân nhanh hơn. Đây cũng là chỉ đạo hết sức sáng suốt của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Việc triển khai cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành. Mỗi khi nhận được đề xuất mà các địa phương và các bộ, ngành đề nghị điều chỉnh thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã khẩn trương làm nhanh các thủ tục để báo cáo Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch kịp thời.
Tuy nhiên, việc đề xuất trong các quy định về mặt pháp luật thì cũng rất kỳ vọng về các quy định về mặt pháp lý sẽ sớm được thông qua và tạo ra cơ chế thoáng hơn. Lúc đó, cũng sẽ không vất vả trong chỉ đạo điều hành cũng như trong khâu thực hiện; thời gian làm các thủ tục cũng sẽ nhanh và tiết kiệm thời gian hơn.
Thưa ông, sau khi Luật Đầu tư công được sửa đổi, bổ sung theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông có kỳ vọng những gì ở Luật này?
Tư tưởng quan điểm lớn nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công hiện nay, đó là tháo gỡ những khó khăn và tạo mọi điều kiện phân cấp triệt để, rút gọn thủ tục hành chính để làm sao đẩy nhanh được tốc độ, hoàn thiện thủ tục hồ sơ cho các dự án đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, không sơ hở. Cho nên chúng tôi rất kỳ vọng sau khi Luật Đầu tư công được Quốc hội xem xét và thông qua, Luật sẽ tạo được sự cởi mở và thông thoáng rất nhiều đối với việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Xin cám ơn ông!