Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,4% còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,5%.
Một giếng dầu ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phiên cuối tuần 21/2, giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng, khi lo ngại về gián đoạn nguồn cung dần hạ nhiệt, trong khi thị trường vẫn theo sát diễn biến xung đột tại Ukraine và dữ liệu tồn kho dầu thô của Mỹ.
Chốt phiên giao dịch 21/2, giá dầu Brent giảm 2,05 USD (tương đương 2,68%) xuống còn 74,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,08 USD (tương đương 2,87%), đóng cửa ở mức 70,40 USD/thùng.
Diễn biến tuần qua cho thấy sự đan xen giữa các yếu tố hỗ trợ và kìm hãm giá dầu. Đầu tuần, giá dầu có lúc nhích lên do lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại Nga và Mỹ. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào trạm bơm thuộc đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) khiến lượng dầu xuất khẩu từ Kazakhstan giảm 30-40%, tương đương khoảng 380.000 thùng/ngày. Thời tiết lạnh tại Mỹ cũng ảnh hưởng đến sản xuất dầu tại bang Bắc Dakota, với sản lượng có thể giảm tới 150.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, đến cuối tuần, giá dầu chịu áp lực giảm. Việc thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza được duy trì đã làm giảm rủi ro địa chính trị tại Trung Đông, khiến giới đầu tư bớt lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực này. Bên cạnh đó, các thông tin về kho dự trữ dầu thô Mỹ tiếp tục tác động đến tâm lý thị trường. Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô tăng nhẹ so với dự báo, trong khi tồn kho nhiên liệu giảm do các nhà máy lọc dầu tiến hành hoạt động bảo trì định kỳ.
Ngoài ra, thông tin các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện một chủng virus corona mới ở loài dơi cũng khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần, khi giới đầu tư lo ngại về tác động tiềm tàng đối với nhu cầu năng lượng.
Trong khi đó, thị trường tiếp tục theo dõi những động thái từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, về kế hoạch sản xuất trong những tháng tới. Một số nguồn tin cho biết liên minh này có thể cân nhắc trì hoãn việc tăng sản lượng dự kiến vào tháng 4/2025, nhằm hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng mạnh.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs cho rằng ngay cả khi Mỹ có thể làm trung gian hòa giải thành công giữa Nga và Ukraine, việc nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga cũng không đồng nghĩa với việc nguồn cung dầu mỏ sẽ tăng lên đáng kể. Goldman Sachs cho rằng sản lượng dầu thô của Nga bị hạn chế bởi mục tiêu sản xuất 9 triệu thùng/ngày của OPEC+ chứ không phải các lệnh trừng phạt hiện tại, vốn đang ảnh hưởng đến đích đến chứ không phải khối lượng xuất khẩu dầu.
Nhà phân tích thị trường của tổ chức tài chính IG, Tony Sycamore, cho biết còn có những đồn đoán rằng OPEC và các đối tác như Nga và Kazakhstan có thể quyết định trì hoãn kế hoạch tăng nguồn cung vào tháng Tư.
Vào ngày 21/2, dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm giàn khoan dầu và khí đốt tuần thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2024. Cụ thể, số giàn khoan dầu khí đang hoạt động, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng 4 giàn lên 592 giàn trong tuần kết thúc ngày 21/2/2025.
Theo giới phân tích, mặc dù giá dầu chịu áp lực trong phiên cuối tuần, những yếu tố bất ổn về địa chính trị và chính sách của OPEC+ có thể tiếp tục tác động đến thị trường trong thời gian tới.