Những chuyến ra khơi sản xuất đầu vụ thuận buồn xuôi gió, được ngư dân xem là điềm lành và kỳ vọng có mùa biển bội thu. Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị cũng tăng cường hỗ trợ ngư dân vươn khơi, nhằm đưa nghề cá phát triển bền vững hơn trong năm 2020.
Những chuyến biển thuận buồm xuôi gió
Những ngày qua, thời tiết nắng ấm giúp ngư dân đi biển được thuận lợi hơn. Ghi nhận của phóng viên tại Bến cá Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh những ngày này, từ sáng sớm những chiếc tàu chở cá cơm đầy khoang đã tấp nập cập cảng để đưa cá lên bờ bán cho thương lái. Ngư dân thường dùng tàu nhỏ, công suất dưới 90CV, để khai thác cá cơm ở vùng biển khoảng từ 15 hải lý trở vào bờ.
Mỗi chuyến tàu đi đánh bắt cá cơm, thường diễn ra từ buổi tối hôm trước đến sáng sớm hôm sau. Trung bình mỗi tàu cũng đánh bắt được từ 1 - 3 tấn cá cơm và chỉ sau một đêm ra khơi. Tàu cập cảng sớm thì cá cơm bán được giá cao, từ 14.000 -18.000 đồng/kg. Tàu cập cảng muộn do cá ít tươi hơn nên giá rẻ hơn chỉ còn khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg.
Ngoài ra, nhiều chủ tàu cá công suất lớn cũng huy động thuyền viên, đi đánh bắt cá cơm từ 2 - 3 ngày mới trở về bờ, cho sản lượng từ 10 – 15 tấn cá cơm mỗi chuyến biển. Cá cơm được những chủ cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô, ở xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, thu mua hết ngay sau khi tàu cập bến. Do đó, ngư dân tiêu thụ được ngay cá cơm và có thu nhập cao sau mỗi chuyến biển ngắn ngày.
Theo ngư dân Lê Văn Viện, trú tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh, việc đánh bắt được sản lượng lớn cá cơm trong những chuyến biển đầu năm mới, khiến bà con ngư dân rất vui mừng, phấn khởi.
Trong khi đó, ngư dân làm nghề khai thác cá sòng ở vùng biển cách bờ từ 35 – 50 hải lý, cũng có niềm vui khi trúng đậm cá này. Ngư dân thường dùng tàu cá công suất lớn trên 90 CV để đi đánh bắt cá sòng, trong khoảng từ 3 – 5 ngày mới trở về bờ. Các tàu đánh bắt cá sòng thường cập cảng cá Nam Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong và cảng cá Cửa Tùng ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Mỗi tàu cập cảng mang theo từ 5 – 15 tấn cá sòng.
Cá sòng được bán ngay tại cảng với giá từ 20.000 – 35.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và kích cỡ của cá. Không chỉ có ngư dân Quảng Trị, ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ cũng khai thác được nhiều cá sòng ở vùng biển lân cận, rồi đưa tàu cập các cảng cá ở Quảng Trị để bán cá. Cá sòng được nhiều doanh nghiệp đến tận cảng, thu mua với số lượng lớn để chế biến.
Theo ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, ngư dân ở các xã ve biển của huyện, đã đánh bắt được hàng nghìn tấn hải sản, sau những chuyến biển vừa qua, qua đó mang lại nguồn thu nhập cao và tạo thêm việc làm; đồng thời tạo động lực cho ngư dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ để vươn khơi sản xuất.
Hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững
Từ sau sự cố môi trường biển tháng 4/2016 đến nay, tỉnh Quảng Trị tập trung tái cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, theo hướng phát triển đội tàu cá công suất lớn trên 90CV thường xuyên khai thác ở vùng biển xa; đồng thời, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Mặt khác, tỉnh dành nguồn lực để hỗ trợ ngư dân làm nghề khai thác hải sản.
Theo đó, đối với phát triển đội tàu cá khai thác xa bờ, đến tháng 2/2020, tỉnh Quảng Trị đã có 235 tàu cá công suất lớn từ 90 CV trở lên, tăng khoảng 90 chiếc so với 10 năm trước. Trong đó, đội tàu cá được đóng mới và nâng cấp từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ, về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67/NĐ-CP), được trang bị rất hiện đại giúp đi biển an toàn và khai thác hiệu quả hơn. Các ngân hàng đã giải ngân gần 437 tỷ đồng cho ngư dân Quảng Trị vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP. Qua đó, giúp ngư dân Quảng Trị đóng mới 25 tàu cá công suất lớn gồm: 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite; có 93 tàu cá được nâng cấp cũng đi vào hoạt động.
Năm 2020, tỉnh tiếp tục hỗ trợ ngư dân gần 13 tỷ đồng bao gồm: hỗ trợ mua bảo hiểm trên 7,1 tỷ đồng với các loại bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm rủi ro; duy tu, sửa chữa 20 tàu cá công suất lớn có kinh phí 3 tỷ đồng; khoảng gần 2,7 tỷ đồng dành để đào tạo nghề cho ngư dân.
Đối với thực hiện Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa, tỉnh dự kiến hỗ trợ nhiên liệu cho các chủ tàu cá công suất lớn từ 90CV đến trên 700CV, thường xuyên khai thác hải sản xa bờ với khoảng 50 tỷ đồng/năm. Việc hỗ trợ ngư dân kịp thời, liên tục đã giúp tăng sản lượng khai thác hải sản, từ sau sự cố môi trường biển năm 2016. Minh chứng là sản lượng khai thác hải sản của Quảng Trị năm 2016 chỉ đạt 15.500 tấn, năm 2017 đạt gần 24.000 tấn, năm 2018 đạt 24.000 tấn, năm 2019 đạt trên 26.000 tấn, năm 2020 phấn đấu đạt trên 27.000 tấn.
Tỉnh cũng đã tăng cường thực hiện các giải pháp để khắc phục “thẻ vàng" IUU. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập Văn phòng Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng, để kiểm soát hoạt động của tàu cá tại cảng và giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, phục vụ cho công tác xác nhận, chứng nhận; kiểm soát chặt chẽ tàu cá cập và rời cảng.
Cụ thể, lực lượng chức năng tại các cảng cá này, kiểm tra 100% đối với tàu cá có chiều dài trên 24m khi cập và rời cảng để khai thác hải sản. Khối tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m, thì kiểm tra tối thiểu 20% đối với tàu làm ngề khai thác cá ngừ, tối thiểu 10% đối với tàu làm nghề lưới kéo, tối thiểu 5% đối nghề tàu làm nghề khác, trên tổng số tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản; đồng thời, kiên quyết không cho tàu cá rời cảng để khai thác thủy sản, khi không đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar có kết nối định vị vệ tinh, cho 18/18 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. Trong năm 2020, tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá có chiều dài từ trên 15m đến dưới 24m.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: kiểm tra, giám sát tàu cá trên biển, neo đậu ở cảng cá; tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; qua đó góp phần khắc phục “thẻ vàng IUU” để nghề cá phát triển bền vững.