Từ ngày 28/2 đến 1/3, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng trong và và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững”, tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Những vấn đề được bàn luận tại Diễn đàn đã tạo ra một kênh thông tin quan trọng, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xanh bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường.
Mô hình kinh tế mới
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và thiếu hụt sinh thái. Nghĩa là nền kinh tế xanh là mô hình kinh tế mới có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Ngày 25/9/2013, Chính phủ đã thông qua Quyết định số 1393 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Chiến lược này thể hiện quan điểm của Việt Nam hướng tới sự phát triển theo hướng bền vững. Mục tiêu của Chiến lược đó là thông qua mô hình tăng trưởng xanh Việt Nam, nhằm thay đổi mô hình phát triển kinh tế để đạt mức sử dụng các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp về kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, để theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới và trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa vào năm 2020, việc lựa chọn và hướng tới xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là cần thiết. Vì vậy, Việt Nam cần có sự điều chỉnh về chiến lược tăng trưởng kinh tế, xây dựng nền kinh tế xanh để đạt được các mục tiêu đã đề ra đó là tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, coi trọng bảo vệ môi trường.
Với tham luận “Chính sách về phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường nhấn mạnh: Hiện nay sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng thế giới là “Biến đổi khí hậu”. Nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực, trong đó phát triển kinh tế “Các bon thấp”, “Tăng trưởng xanh” đang là xu hướng mới trong lộ trình tiến tới “Nền kinh tế xanh”. Do đó, Việt Nam sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức trên thế giới, trong nỗ lực chung giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở hướng tới “Nền kinh tế xanh”.
Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh còn là những khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. Nhận thức của nhiều cơ quan Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp còn hạn chế và chưa thống nhất. Nên cần có thời gian để để những khái niệm này được phổ biến rộng rãi hơn, nội dung của chiến lược tăng trưởng xanh được phổ biến đến những đối tượng có liên quan. Hơn nữa, quá trình chuyển từ nhận thức tới hành động, từ thói quen và cách thức sản xuất, tiêu dùng “nâu” sang “xanh” cũng đòi hỏi một quãng thời gian nhất định để thích nghi.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu. Đó là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Tuy vậy, phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý, có những cơ chế chính sách thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển đúng hướng xanh.
Hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp
Nằm trong các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn, Chương trình giao lưu truyền hình trực tiếp Doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững cũng được tổ chức tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Đây là một hoạt động thực sự hữu ích, là cơ hội giao lưu giữa các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, cùng tìm ra những giải pháp hợp lý, hiệu quả nhằm thúc đẩy việc quản lý xanh trong hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Đa số các đại biểu tham dự Chương trình nhất trí cho rằng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho Việt Nam. Mặt khác, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng sinh học, tái sinh rừng tự nhiên... Lựa chọn nền kinh tế xanh là phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam.
Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững: Ngày nay, khái niệm sản xuất sạch hơn ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp và thay dần các thuật ngữ giảm thiểu chất thải, phòng ngừa ô nhiễm. Đây được xem là hướng đi bền vững tạo “cuộc đua” tích cực cho các doanh nghiệp về giữ vững thương hiệu, bảo vệ môi trường trong thị trường đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp hơn 10 năm qua ở Việt Nam đã mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng, do hiệu quả sản xuất được nâng cao thông qua sử dụng hiệu quả hơn nguyên vật liệu, năng lượng, nước để giảm đáng kể lượng chất thải và các chất ô nhiễm cần xử lý, cải thiện môi trường lao động và quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Theo đó, Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam đã giúp cho 12 công ty tiết kiệm được gần 1 triệu USD, đóng góp vào việc cải thiện hiện trạng môi trường, trong đó tiết kiệm trên 2 triệu tấn nước giảm 1.778 tấn chất thải rắn giảm trên 120 tấn COD… Điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Khang...
Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa thì việc xây dựng và phát triển các đô thị và công nghiệp bền vững , có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự bền vững, bởi dân số đô thị ngày càng chiếm tỉ lệ cao, các hoạt động kinh tế-xã hội ngày càng tập trung trong các đô thị và khu công nghiệp. Việc xây dựng và phát triển các đô thị và khu công nghiệp bền vững sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết liệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Từ những kết quả nêu trên, có thể khẳng định để đạt được mục tiêu chính sách kinh tế xanh và bảo vệ môi trường cần phải chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh là tiếp cận mới. Song xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững cần hướng tới một nền kinh tế xanh. Để thực hiện được mô hình đó, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước đó, để có lộ trình và bước đi phù hợp.
Do vậy, từ những chính sách liên quan đến kinh tế xanh và bảo vệ môi trường cho thấy, Việt Nam đang trong quá trình tìm tòi và hoàn thiện dần sự kết hợp hài hòa giữa hai phạm trù “Kinh tế Xanh” và “Bảo vệ môi trường”, hai phạm trù này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và bổ sung cho nhau, để hướng tới và thực hiện thành công phát triển bền vững.
Văn Hào