Áp lực lãi suất tăng
Theo khối phân tích VDSC, cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa ghi nhận những thay đổi đáng kể và dòng vốn tín dụng vẫn đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Điều này hàm ý tăng trưởng tín dụng nhanh hay chậm sẽ xác định quỹ đạo chuyển động của nền kinh tế. Các doanh nghiệp nội địa vẫn phụ thuộc vào dòng vốn từ khu vực ngân hàng khi thị trường tài chính nhìn chung còn kém phát triển.
VDSC ghi nhận sau giai đoạn liên tục hồi phục kể từ đáy suy thoái năm 2012, hiện tại, ngày càng nhiều sức ép lên chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Những rủi ro bên ngoài và khả năng tiềm ẩn về một cú sốc tài chính có thể thúc đẩy các nhà lập pháp sớm tăng lãi suất.
Trong đó, quan ngại nhất là áp lực lãi suất sẽ tăng bắt đầu từ năm 2019 do rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Liên quan tới các rủi ro từ bên ngoài, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang trực tiếp gia tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu sau thập kỷ nới lỏng. Tại Mỹ, FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2018 khi lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu. Mức lãi suất điều hành của FED dự kiến sẽ đạt 3,5% trong năm 2019. NHTW châu Âu (ECB) sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối năm 2018 trong khi NHTW Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét lại mục tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Bên cạnh việc đồng bạc xanh và dầu thô tăng giá cũng như căng thẳng thương mại leo thang, sức ép lên chi phí vốn đang lan tỏa và đe dọa sự ổn định tài chính cũng như chất lượng tín dụng tại nhiều quốc gia. Các quốc gia sở hữu quy mô nợ nước ngoài lớn dễ bị tổn thương hơn do chính sách thắt chặt tiền tệ trên quy mô toàn cầu.
Nhiều quốc gia khác bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy. Hiện tại, các quốc gia đang đối mặt với khối nợ khổng lồ như Venezuela, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải phá giá đồng tiền. Các nhà đầu tư và chủ nợ ngày càng quan tâm hơn tới khả năng vỡ nợ.
Tại châu Á, Ấn độ tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm 2018. Trong ASEAN, 4 nền kinh tế lớn, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines đã quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi Việt Nam và Thái Lan chưa ghi nhận nhiều thay đổi.
Liên quan tới các rủi ro nội tại, lạm phát gia tăng mạnh mẽ đang trực tiếp tạo sức ép lớn lên lãi suất. Kể từ sau khi chạm đáy vào năm 2015, lạm phát bắt đầu hồi phục và liên tục gia tăng trong các năm sau đó. Giá dầu thô và thực phẩm tăng cao đang đóng vai trò chi phối diễn biến lạm phát. Căng thẳng thương mại với việc các quốc gia dựng lên hàng rào thuế quan có khả năng sẽ đẩy lạm phát lên cao.
Trong năm 2018, lạm phát được dự báo ở mức 4%, mức cao nhất kể từ 2014. Hiện tại, lãi suất tái chiết khấu chỉ ở mức 4,25%/năm, giảm từ 4,5%/năm vào tháng 7/2017 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng trên thị trường dao động quanh mức 6,5%/năm.
Tính đến giữa tháng 8/2018, tỷ giá giao dịch ngân hàng đã tăng 2,7% trong khi tỷ giá trung tâm tăng 1,2%. Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do có thời điểm đã tăng gần 4%.Trong khi đó, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng đồng USD dao động quanh mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất tiền gửi USD đang được giữ ở mức 0%. Nhằm nâng cao sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, lãi suất tiền gửi VND thường cao hơn tổng lãi suất tiền gửi USD và độ mất giá của VND. Điều đó cho thấy rõ áp lực lên lãi suất cho vay bằng tiền đồng.
Dòng vốn tín dụng vào bất động sản vẫn cao
Ngoài ra, sau giai đoạn hồi phục kể từ lần chạm đáy năm 2012, hoạt động đầu cơ đang gia tăng trở lại. Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ đang diễn ra rất sôi động, đặc biệt trên thị trường bất động sản.
Có thể thấy, tại thị trường căn hộ, VDSC ghi nhận gần 1/2 số giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu cơ, điều này đã đẩy giá căn hộ lên cao. Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ lan rộng tại thị trường đất nền. Những tin đồn liên quan tới các dự án cơ sở hạ tầng và kỳ vọng thái quá của giới đầu cơ đã thổi giá trị tài sản bất động sản trong thời gian qua.
Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, vốn tín dụng vào khu vực bất động sản chiếm 10% tổng dư nợ cho vay. Nếu tính cả khoản cho vay mua nhà dưới dạng tín dụng tiêu dùng, con số trên có thể lên tới 18-20% tổng dư nợ, tương đương 55 tỷ USD. Rõ ràng, điều này cao hơn mức an toàn 8-10% nhưng thấp hơn mức đỉnh 30% trong giai đoạn 2007-2008.
Theo nhận định VDSC, việc tiêu chuẩn cho vay mềm mỏng hơn đang mở ra cơ hội tiếp cận dòng vốn tín dụng dễ dàng hơn. Do đó, các nhà phân tích lo ngại phản ứng của người vay khi đối mặt với việc tăng lãi suất. Điều này thật khó dự đoán bởi các cá nhân và doanh nghiệp, nhìn chung đang hưởng môi trường lãi suất thấp nhưng dường như chưa sẵn sàng cho việc chi phí vốn vay gia tăng.
Nhận thức được những rủi ro này, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt dòng vốn tới thị trường bất động sản. Một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất cho vay với người mua nhà. Từ quý 2/2018, quy mô giao dịch căn hộ tại thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm trên 20%. Bên cạnh đó, giá đất nền đã điều chỉnh giảm mạnh trong các tháng gần đây. Tại các khu vực ngoại ô của TP Hồ Chí Minh, giá đất nền đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh hồi đầu năm nhưng vẫn cao hơn năm 2017.
Theo khối phân tích của VDSC, cuộc cải cách “Đổi mới” đã đưa nền kinh tế Việt Nam trải qua ba chu kỳ kinh tế cơ bản: 1989-2000, 2001-2011 và 2012-hiện tại. Trong chu kỳ kinh tế đầu tiên, nền kinh tế được hưởng lợi từ cuộc cải cách “Đổi mới”, bao gồm nhiều biện pháp để tạo thuận lợi cho việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 đã làm ngắt quãng giai đoạn tăng trưởng đó.
Chu kỳ kinh tế thứ hai diễn ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào quá trình toàn cầu hóa với dấu mốc năm 2007 khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là các thách thức. Nền kinh tế trở nên nhạy cảm và dễ bị thương tổn hơn trước những rủi ro từ bên ngoài do sự bất ổn tài chính nội tại và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Tăng trưởng tín dụng giữ ở mức hai con số và các gói kích cầu khác nhau chỉ có một số tác động nhất định tới nền kinh tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Nền kinh tế chỉ hồi phục mạnh mẽ hơn từ năm 2012.
Chu kỳ kinh tế thứ ba chứng kiến những thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế. Tiêu dùng trong nước chiếm gần 70% GDP. Chiến lược khai thác thị trường tiêu dùng nội địa nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trong khi đó, đầu tư khu vực tư nhân đang gia tăng mạnh mẽ. Nếu như các dự án FDI quy mô lớn nắm vai trò chủ đạo từ năm 2014 thì hiện nay, các tập đoàn tư nhân lớn trong nước cũng đang mạnh tay đầu tư vào khu vực sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu. Những dự án này sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong 2 năm tới.