Ông Warrick Cleine nêu giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. |
Phát biểu tại Diễn đàn vốn - tài chính, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng, có tình trạng “tín dụng đen nở rộ” tại Việt Nam hiện nay. Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, cũng cho rằng, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ "tín dụng đen".
Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, cần có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả. Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho rằng không nên dùng từ "tín dụng đen", mà có thể gọi là "tín dụng không chính thức" nhằm "tránh những ý tưởng không hay". Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng, cũng như có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức.
"Tín dụng đen ở đây không hoàn toàn là xấu vì nó có những mặt để tạo điều kiện cho người vay tiền. Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa những tín dụng đen như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của một số ngân hàng lớn ở Hà Lan", ông Warrick Cleine nhấn mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận khoản vay của ngân hàng qua nhiều kênh, chính thống hoặc không. Các ngân hàng cần có thủ tục gọn nhẹ để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả. “Ví dụ, một người nông dân muốn vay để mua một con bò cần tín chấp như thế nào, điều này cũng hoàn toàn khác với khoản vay của các doanh nghiệp. Do đó, chúng ra cần có cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào khoản vay, quy mô và đối tượng", ông Warrick Cleine nói.
Ông Warrick Cleine cũng nhấn mạnh sự cần thiết của công tác truyền thông, giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng đen, trong khi đó, nhà nước, cần có biện pháp quản lý thị trường này hiệu quả.
Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia Ngân hàng Thế giới, ông A.Alatabani đã gợi mở giải pháp bằng các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường. Ông này cho biết hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khoản vay; hoặc công cụ khác như công nghệ tài chính - Fintech.
Đại diện World Bank đề xuất giải pháp đưa các gói sản phẩm tín dụng khác nhau. |
Tiếp lời đại diện World Bank, từ kinh nghiệm làm việc với nhiều doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Verco cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng có thể góp phần hạn chế "tín dụng đen". "Là đơn vị chuyên tái cấu trúc doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng họ không ngần ngại đầu tư", ông Hùng nói.
Theo vị này, có những sàn của doanh nghiệp tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn và có thể lượng tiền lớn, ngay cả các startup (khởi nghiệp) cũng có thể IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trên nền tảng số.