Kinh nghiệm giảm nhẹ thiên tai ở vùng ngọt hóa Gò Công

Gò Công Tây nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công, là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với vựa lúa, trái cây, rau màu cho tiêu dùng và xuất khẩu lớn của Tiền Giang.

Địa phương thuộc duyên hải phía Đông tỉnh. Mùa khô 2020 đến với huyện gây hạn mặn nghiêm trọng nhưng thực tiễn ứng phó đã giúp nơi đây đúc kết được những bài học quí giá. Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, những bài học đó sẽ còn có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai hạn – mặn mỗi năm mỗi nghiêm trọng hơn.

Mùa khô 2020 đến với huyện Gò Công Tây kèm theo thiên tai hạn mặn gây hại cho các vùng sản xuất trọng điểm. Mặn xâm nhập sớm và sâu về thượng lưu khiến toàn bộ các cống lấy nước trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phải đóng ngăn mặn từ tháng 12/2019. Kèm theo đó, hạn hán ngày càng gay gắt. Nguồn nước ngọt bổ sung không có, các con kênh mương nội đồng vốn đảm bảo nước tưới tiêu cho cây lúa, cây ăn quả, rau màu trên địa bàn huyện Gò Công Tây sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cạn trơ đáy.

Chú thích ảnh
Thi công đường ống cấp nước ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. 

Lường trước tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, hạn mặn khốc liệt và kéo dài ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân, ngay từ đầu mùa khô 2020, địa phương đã triển khai nhanh các phương án ứng phó phù hợp. Mục tiêu giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống người dân sinh sống trên địa bàn vốn dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Tại đây, trong vụ Đông Xuân, nông dân đã gieo sạ trên 8.900 ha lúa năng suất cao đồng thời trồng 2.700 ha rau màu thực phẩm. Thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, huyện Gò Công Tây còn mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn trái đặc sản lên gần 4.000 ha, chủ yếu các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, là nguồn cung nông sản hàng hóa xuất khẩu quan trọng: thanh long, bưởi da xanh, dừa…

Đối với vụ Đông Xuân, huyện chỉ đạo các xã tuân thủ lịch xuống giống tập trung, né rầy và né hạn mặn; những địa bàn quá khó khăn về nguồn nước thì tích cực chuyển đổi cây trồng phòng chống thiên tai. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây thường xuyên theo dõi mực nước nội đồng, cập nhật diễn biến mặn để khuyến cáo nông dân các giải pháp ứng phó phù hợp, tiến hành bơm trữ nước khẩn cấp kết hợp làm thủy lợi nội đồng lấy nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn…

Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, việc chủ động bơm trữ nước từ sớm đã đảm bảo cho địa phương giành một vụ Đông Xuân thắng lợi trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai. Nước bơm từ các kênh cấp 1, cấp II thuộc vùng dự án ngọt hóa Gò Công đưa lên trữ trong nội đồng theo từng giai đoạn.

Giai đoạn đầu bơm đưa nước từ kênh 14, kênh Tham Thu, kênh Xuân Hòa – Cầu Ngang về trữ phục vụ sản xuất cho cánh đồng phía Nam Quốc lộ 50 gồm các xã Long Bình, Long Vĩnh, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu,… Giai đoạn tiếp theo, khi nước trên các kênh trục của dự án giảm và khả năng tiếp nước cho kênh Tham Thu từ trạm bơm Bình Phan không còn dồi dào nữa, Gò Công Tây chuyển hướng tập trung bơm đưa nước từ kênh Tham Thu lên trữ cho nội đồng các xã phía Bắc như Đồng Thạnh, Đồng Sơn, Bình Phú, Thành Công… Hoạt động bơm trữ nước ròng rã cho đến khi hết nguồn nước, các kênh mương hoàn toàn cạn kiệt.

Huyện đã huy động 404 máy bơm, tổ chức tổng cộng 130 điểm bơm trên địa bàn 13 xã, thực hiện được gần 83.000 giờ bơm trữ nước vụ Đông Xuân. Trước đó, để chủ động ứng phó thiên tai, cuối năm 2019, Gò Công Tây còn triển khai thi công 53 công trình thủy lợi nội đồng với tổng vốn đầu tư trên 18,1 tỷ đồngphục vụ sản xuất.

Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, việc bơm trữ nước kịp thời và chủ động theo phương án khoa học kết hợp duy tu, nâng cấp và sửa chữa, hoàn thiện mạng lưới thủy lợi nội đồng đã mang lại hiệu quả lớn trong phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại. Nông dân Nguyễn Văn Nam, xã Thạnh Trị, Gò Công Tây, phấn khởi cho biết, các hộ gieo sạ trước và đúng theo lịch thời vụ mà ngành chức năng đưa ra, khuyến cáo, nguồn nước sản xuất đảm bảo đã giúp thu hoạch đạt năng suất khá, bình quân từ 70 tạ đến 90 tạ/ ha. 

Nhờ vậy, huyện Gò Công Tây đạt sản lượng cả vụ Đông Xuân trên 57.000 tấn. Bà con trồng màu cũng hưởng lợi. Đến nay, nông dân thu hoạch được 1.700 ha rau màu các loại, sản lượng trên 38.000 tấn cung ứng thị trường, vượt 2.686 tấn so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sản lượng trái cây thu hoach đạt gần 20.000 tấn quả. Đây có thể xem là một thành quả rực rỡ trong tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 khốc liệt, gây thiệt hại trên diện rộng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy vậy, đối với vùng trồng cây ăn quả nan giải hơn bởi nếu thiếu nước tưới kéo dài một số diện tích cây trồng suy kiệt nghiêm trọng. Trong điều kiện hạn hán gay gắt, cây sẽ chết, khó phục hồi được, đời sống nhân dân sẽ khó khăn vô vàn. Trước tình hình trên, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Tây tổ chức vận chuyển nước ngọt từ thượng lưu sông Tiền đưa về cấp cho nông dân tưới ứng cứu cây. 

Qua khảo sát, tại huyện Gò Công Tây có 886 ha vườn chuyên canh mít, thanh long, bưởi da xanh bị khô hạn nghiêm trọng, có thể suy kiệt và chết nếu không cứu kịp thời. Tổng nhu cầu nước tưới khẩn cấp trên 92.000 m3. Từ khi triển khai chủ trương, huyện Gò Công Tây đã tổ chức cấp 2 đợt nước ngọt tưới cây ăn quả cho nông dân với tổng khối lượng nước cấp gần 22.000 m3. Tỉnh tiếp tục thực hiện cấp nước hỗ trợ bà con. 

Chưa bao giờ hơn bây giờ, người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong đó có người dân Gò Công Tây mong mưa đến mỏi mòn. Theo dự báo, tháng 5 tới sẽ bắt đầu vào mùa mưa năm 2020. Nghĩa là mùa khô hạn khốc liệt 2020 sắp đi qua, sản xuất sẽ được khôi phục mạnh mẽ trong tương lai.

Ông Đinh Tấn Hoàng đánh giá, kết quả trên là sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân tích cực góp nhân lực, công của và phương tiện chống hạn cứu lúa. Phương án phòng chống hạn mặn được quán triệt từ huyện đến cơ sở và rộng khắp nhân dân. Truyền thông cũng được coi trọng, kịp thời thông tin cập nhật đến bà con diễn biến hạn mặn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống, chăm sóc phù hợp, hiệu quả.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
'Giải hạn' nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn Gò Công Tây
'Giải hạn' nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn Gò Công Tây

Mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống trên diện rộng tỉnh Tiền Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN