Kiên Giang không để gãy 'trụ đỡ' nông nghiệp

Trong tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, diễn biến phức tạp và khó lường, tỉnh Kiên Giang xác định sản xuất nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, phải thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển bền vững, hiệu quả, không để gãy "trụ đỡ" quan trọng này, góp phần ứng phó với dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa Hè Thu ở xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gồm 3 lĩnh vực chủ lực là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để kịp thời chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ; hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa Hè Thu, gieo sạ lúa vụ Thu Đông đảm bảo kế hoạch và được mùa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án, phối hợp với sở, ngành liên quan và kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa, kịp thời hỗ trợ người dân đầu ra, tiêu thụ nông sản, ổn định đời sống.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh đã hoàn thành kế hoạch gieo sạ 353.000 ha lúa Hè Thu và lúa vụ Thu Đông với tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao chiếm 80% diện tích gieo trồng. Tỉnh phấn đấu sản lượng hai vụ lúa này khoảng 2 triệu tấn, góp phần nâng tổng sản lượng lúa thu hoạch cả năm đạt hơn 4,3 triệu tấn, tăng 1,3% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2021 tổng đàn lợn đạt hơn 261.250 con, đàn bò 12.500 con, đàn trâu 4.500 con và đàn gia cầm hàng trăm ngàn con phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh; trong đó, tỉnh chú trọng phát triển chăn nuôi lợn ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững trong tình hình dịch COVID-19 và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngành chăn nuôi đã chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn lợn để phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi; khuyến cáo, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp trang trại áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; định kỳ lấy mẫu môi trường chăn nuôi kiểm tra nguồn nước, chất thải, xét nghiệm virus nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh để phòng trừ, ngăn chặn.

Về thủy sản, tỉnh phấn đấu tổng sản lượng năm nay đạt hơn 800.000 tấn, bao gồm khai thác đánh bắt trên 510.000 tấn và nuôi trồng 293.000 tấn; trong đó, tôm nuôi đạt 100.000 tấn.

Đến cuối tháng 7/2021, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản đạt hơn 335.540 tấn, nuôi trồng thủy sản hơn 153.310 tấn; trong đó, tôm nuôi thu hoạch 72.680 tấn; tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 19.000 tỷ đồng.

Cùng đó, tỉnh phấn đấu thả nuôi tôm nước lợ đạt kế hoạch 136.000 ha với các loại hình nuôi công nghiệp, quảng canh - quảng canh cải tiến và tôm - lúa.

Ngành chức năng tập trung theo dõi, quản lý chặt chẽ việc thực hiện khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ, ngăn chặn phòng trừ dịch bệnh phát sinh gây hại, đẩy mạnh và nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi tôm từ 2 - 3 giai đoạn năng suất cao.

Các đơn vị chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng giống tôm nuôi để loại bỏ tôm giống mang mầm bệnh; khuyến cáo nông dân mua con giống ở những cơ sở uy tín, tôm giống chất lượng để thả nuôi và nói không với tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc; khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa bão bất thường để hạn chế tối đa những thiệt hại trong sản xuất do thiên tai gây ra.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, ngoài việc thực hiện đồng bộ giải pháp nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa an toàn, bền vững và hiệu quả, tỉnh còn vận động, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nuôi tôm, hộ dân phát triển, nhân rộng nuôi tôm công nghiệp theo mô hình nuôi công nghệ cao, sản xuất ra sản lượng lớn cung ứng tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Ngành chức năng dự báo, diễn biến dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài do hiện tại vẫn chưa đến đỉnh điểm và mất nhiều thời gian khống chế, dập dịch bệnh để trở lại trạng thái bình thường mới. Tỉnh Kiên Giang giữ vững kế hoạch, mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và tăng trưởng vượt trội để bù đắp cho những lĩnh vực thiếu hụt. Từ đó, góp phần ổn định đời sống nhân dân trong tình hình dịch COVID-19 được dự báo tiếp tục diễn biến xấu.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Ứng dụng công nghệ số trong kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ số trong kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp

Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổ công tác đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số như: sử dụng trang web, zalo vào kết nối cung cầu và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN