Theo Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình khảo sát và thông tin từ các địa phương cho thấy tình hình sản xuất, tiêu thụ và kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại 19 tỉnh, thành phố ở phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/7/2021 đến nay cơ bản được tháo gỡ, lưu thông hàng hóa cũng đã thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, hoạt động chế biến nông, thủy sản và giết mổ gia súc, gia cầm hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, lao động thu hoạch, đáp ứng yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ", cũng như việc vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Thêm vào đó, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch có thể phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, thu hoạch và chế biến nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, các tỉnh Nam bộ đang vào thời kỳ thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực như lúa hè thu gần 1 triệu ha, sản lượng khoảng 5,5 triệu tấn lúa; hàng tháng thu hoạch khoảng 640.000 tấn trái cây và khoảng 500.000 - 600.000 tấn rau, củ, quả các loại.
Về chăn nuôi, mỗi tháng sản xuất khoảng 141.000 tấn lợn, 55.000 tấn gà và 550 triệu quả trứng gia cầm; trong đó, lượng thịt gà công nghiệp siêu thịt hiện tồn đọng khoảng 28.300 tấn. Sản lượng thủy sản hàng hóa khoảng 480.000 tấn, bao gồm 337.000 tấn thủy sản nuôi trồng và khoảng 143.000 tấn từ khai thác cần đưa vào chuỗi chế biến tiêu thụ.
Song song đó, mùa vụ sản xuất lúa Thu Đông, lúa vụ mùa cũng đang được triển khai cần một lượng lớn giống lúa khoảng 30.000 - 40.000 tấn và các loại vật tư nông nghiệp. Hoạt động thả nuôi tôm, cá tra cũng đang được tích cực chuẩn bị. Dự kiến mỗi tháng cần khoảng 10 tỷ con tôm Postlarvae, 150.000 - 200.000 con cá tra giống.
Do đó, ngoài việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông thủy sản, thời gian tới các tỉnh phía Nam cần kịp thời triển khai các kế hoạch sản xuất. Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp và nông dân duy trì, ổn định hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cụ thể, tạo điều kiện và ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện "3 tại chỗ" trực tiếp sản xuất; triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại khu vực trọng điểm sản xuất lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổ công tác cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khuyến khích cơ sở sản xuất và doanh nghiệp thu mua nông sản thiết yếu và cung ứng vật tư nông nghiệp để kích cầu thúc đẩy sản xuất.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng là công nhân, người lao động ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; đồng thời hỗ trợ giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản để bảo quản sản phẩm đông lạnh, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.