Trong đó, nông nghiệp 33.000 tỷ đồng, lâm nghiệp 510 tỷ đồng, thủy sản 44.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp, nhân dân và huy động từ các nguồn khác.
Nhân viên Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm thu hoạch tiêu hữu cơ tại Phú Quốc. Ảnh minh họa: Hồng Nhung/TTXVN |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư, thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình trình diễn, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và ưu tiên các chương trình, dự án trọng điểm có tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp dự kiến khoảng 11.783 tỷ đồng.
Cùng với đó, nguồn vốn các thành phần kinh tế khác đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp gắn với liên kết “4 nhà”, phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã kiểu mới; đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất tập trung về hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện, giao thông, máy móc cơ giới, kho chứa, bảo quản và chế biến nông sản; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, đầu tư thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm phát triển sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, thủy sản. Trên cơ sở quy hoạch, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế như: lúa gạo, các loại tôm, cá, cua, sò… có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi bò thịt, lợn, gà vịt… phù hợp với điều kiện sinh thái trên 4 vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020, sản lượng lúa đạt 5 triệu tấn; thủy sản hơn 755.500 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản trên 265.500 tấn, với 80.000 tấn tôm; rau màu 423.000 tấn; diện tích dừa 7.000 ha, hồ tiêu 1.200 ha và mía 5.000 ha...
Tỉnh xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh gắn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Áp dụng khoa học - công nghệ để sản xuất ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và khả năng cạnh tranh với thị trường thế giới. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể như: chương trình phát triển cánh đồng lớn; giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo, thủy sản; phát triển kinh tế biển; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản… Các dự án: nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm siêu thâm canh vùng Tứ giác Long Xuyên; tôm - lúa bền vững và tôm sạch - lúa hữu cơ vùng U Minh Thượng; khôi phục cá đồng Vườn Quốc gia U Minh Thượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp du lịch ở Phú Quốc; nuôi cá lồng bè thâm canh ở huyện đảo Kiên Hải… và những dự án khác.