Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua Tổng cục đã hợp tác với các nhà khoa học, doanh nghiệp trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng, công nghệ thi công nghiên cứu, chế tạo, cung ứng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo trì đường bộ như: máy cắt cỏ, máy cắt cây trên mái taluy, xe kiểm tra cầu tự hành, máy tái chế bê tông nhựa nóng, máy đun nhựa di động, máy sơn đường tự hành, máy đếm xe tự động...
Việc từng bước áp dụng thiết bị, công nghệ mới đem lại kết quả khả quan trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường bộ; tăng hiệu quả, chất lượng công việc, giảm giá thành do tiết kiệm chi phí nhân công.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo trì, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải nhận ủy quyền quản lý Quốc lộ nghiên cứu, so sánh việc áp dụng các thiết bị, công nghệ mới với phương pháp truyền thống trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Nếu có hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với tình trạng công trình thì phải áp dụng vào thực tiễn, tăng cường chất lượng, tuổi thọ công trình.
Theo đại điện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong bối cảnh Quỹ bảo trì chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cho duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống Quốc lộ trên toàn quốc thì việc ứng dụng công nghệ mới trong công tác bảo trì có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm giá thành, đặc biệt là tăng tuổi thọ công trình.
Các chuyên gia ngành giao thông cho rằng, nhìn từ thực tế công tác bảo trì đường bộ hiện nay, Việt Nam không thể chần chừ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong công tác bảo trì đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.