Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã tăng cường kết nối thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân; không để tình trạng ách tắc lưu thông, tồn đọng nông sản gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Theo đó, Tiền Giang hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho mạng lưới hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân thông qua nhiều biện pháp tích cực như: cung cấp thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo, các yêu cầu của ngành chức năng liên quan đến việc lưu thông, vận chuyển nông sản hàng hóa ra vào tỉnh, đến với thị trường tiêu thụ.
Cùng đó, tỉnh phát huy vai trò công nghệ thông tin trong việc tích cực hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nhân kết nối giữa vùng nguyên liệu và các đơn vị tiêu thụ có nhu cầu thông qua điện thoại thông minh hoặc triển khai trên group zalo, mạng xã hội của các đơn vị kinh tế tập thể,…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân ở các vùng chuyên canh lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thùy sản trọng điểm của địa phương…
Qua đó, thống kê diện tích, sản lượng nông sản hàng hóa đến kỳ tiêu thụ để có kế hoạch kích cầu, kết nối thị trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong khâu tiêu thụ, không để người sản xuất bị ảnh hưởng và hàng hóa tồn đọng, thiệt hại.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng cung cấp thông tin nguồn hàng hóa, sản lượng hàng hóa, nhu cầu thị trường…đến những người sản xuất, đơn vị kinh tế tập thể và doanh nghiệp nhằm phối hợp tiêu thụ sản phẩm với giá có lợi nhất cho nông dân.
Để đưa các chủ trương, chính sách và biện pháp tiêu thụ nông sản đạt kết quả, đáp ứng mong mỏi của nông dân nói chung vừa đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn phối hợp cùng các ngành hữu quan trong, ngoài tỉnh như: Trung tâm tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II) cung cấp thông tin, khả năng cung ứng sản lượng nông sản hàng hóa của mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đến các siêu thị, cửa hàng bách hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, phối hợp cung cấp thông tin thị trường cũng như các cơ sở thu mua, tiêu thụ rau củ cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhằm giới thiệu đăng ký bán sản phẩm qua sàn giao dịch điện từ (Sendo)…
Theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thông qua đó, có 28 hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa với mạng lưới tiêu thụ và thị trường trong, ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường TP Hồ Chí Minh.
Chẳng hạn như: Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong kết nối tiêu thụ thanh long với Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh tổng hợp Quơn Long (huyện Chợ Gạo) cùng các hộ sản xuất tại xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) và huyện Tân Phước, sản lượng tiêu thụ bình quân 2- 3 tấn thanh long/ ngày. Hợp tác xã Gà ta Gò Công (thị xã Gò Công) kết nối tiêu thụ sản phẩm với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Bầu Trời Xanh. Hợp tác xã chuyên canh sả Tân Phú Đông kết nối với các đối tác tiêu thụ trong và ngoài tỉnh…
Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Long Hòa (thị xã Gò Công) Nguyễn Văn An cho biết, hợp tác xã có 18 ha trồng rau; trong đó, có 12 ha sản xuất theo tiêu chí VietGAP và 6 ha theo ngưỡng an toàn với 56 chủng loại rau, củ, quả và rau ăn lá, sản lượng hàng năm đạt 1.800 rau VietGAP và khoảng 800 tấn rau an toàn. Để giải quyết đầu ra, Hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ với các đối tác như: Công ty MM Mega Market (Metro cũ), Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh…Nhờ vậy, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng việc tiêu thụ vẫn ổn định với sản lượng tiêu thụ bình quân từ 2 – 3 tấn rau/ ngày, xã viên an tâm vượt khó, tổ chức sản xuất hiệu quả.
Ông Lê Văn Thủy, Chi hội Trưởng Chi hội nông dân ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo cho biết, hội viên nông dân trồng thanh long tại địa phương được Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An chuyển giao kỹ thuật trồng theo tiêu chí GlobalGAP chất lượng cao, được bao tiêu đầu ra với giá sàn 10.000 đồng/kg ở mọi thời điểm trong năm và cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg. Do vậy, dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng nông dân vùng chuyên canh thanh long ở xã Mỹ Tịnh An rất an tâm sản xuất, cuộc sống ổn định và gắn bó với mô hình kinh tế tập thể kiểu mới hiện nay. Qua đó, còn tạo được vùng nguyên liệu thanh long sạch cho hợp tác xã trên qui mô khoảng 150 ha phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, địa phương có 1.838 ha rau màu phải thu hoạch với sản lượng trên 36.000 tấn sản phẩm; gần 60.000 tấn trái cây các loại, sản lượng thịt động vật đã được kiểm dịch để đưa ra thị trường gồm 6.234 con lợn và trên 421.000 con gia cầm, khoảng 1.650 tấn thủy hải sản các loại….đều cơ bản được tiêu thụ hết, không có tình trạng ứ đọng. Các loại nông sản nhìn chung được giá, trừ một số chủng loại có giảm trong một thời gian ngắn nhưng không nhiều.
Theo đó, giá các loại rau ăn quả như: bầu, bí, mướp…là loại rau màu đang thu hoạch khá phổ biến trong thời gian này, hiện giữ ở mức giá từ 7.000-10.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg trên địa bàn tỉnh.
Đối với trái cây, ngoài một số chủng loại: thanh long, dứa (khóm) giảm từ 2.500-5.000 đồng/kg tùy loại thì mít Thái đang vào mùa vụ và tiêu thụ thuận lợi với giá dao động từ 20.000-23.000 đồng/kg. Còn lại, giá các sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định so với trước thời điểm áp dụng cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục thông tin thị trường kịp thời đến các đối tác, đơn vị kinh tế tập thể và cá nhân; chú trọng thông tin thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng đó, phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các chợ truyền thống đảm bảo phòng, chống dịch khôi phục các hoạt động. Điều này nhằm tạo kênh cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Để chuẩn bị xuống giống vụ mới một cách căn cơ, ngành nông nghiệp tỉnh cũng lưu ý các địa phương chú trọng điều tiết sản xuất hợp lý; tránh tình trạng xuống giống đồng loạt cùng thời điểm, cùng chủng loại nông sản, đặc biệt là rau màu trên diện tích lớn khiến đến lúc thu hoạch nguồn cung vượt cầu. Trong sản xuất, nông dân chú trọng gắn kết tiêu thụ thông qua tham gia mạng lưới các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoặc liên kết thương lái, các đầu mối tiêu thụ nông sản. Từ đó, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, bà con hưởng lợi.
Đối với nông dân có đất sản xuất ở ngoài địa phương mình đang cư trú (dạng xâm canh), tỉnh cũng cấp giấy xác nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại qua các chốt kiểm tra COVID-19 đảm bảo khâu chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nông sản hàng hóa của mình. Qua đó, tăng thêm nguồn cung ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh.