Mặc dù nguồn cung tín dụng khá dồi dào nhưng những tháng qua, tăng trưởng tín dụng vẫn không khả quan. Thực tế này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn và việc khơi thông tín dụng đến với doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều trở ngại.
Tín dụng chưa chảy mạnh đến doanh nghiệp
Do nền kinh tế còn khó khăn, các DN chưa có nhiều cơ hội làm ăn nên vẫn còn ngại vay vốn. Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, điều kiện vay vốn của các ngân hàng vẫn còn là trở ngại đối với DN.
Ngại vay vốn đầu tư
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty Lân Hương (phố Thanh Nhàn, Hà Nội) có ý định đầu tư mở thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ nội thất cao cấp từ nhiều năm nay. Mặc dù, đã được nhiều ngân hàng chào mời vay vốn để đầu tư phát triển kinh doanh nhưng do thị trường vật liệu xây dựng vẫn trong tình trạng tiêu thụ sụt giảm nên Công ty Lân Hương vẫn không dám vay vốn.
Giải đáp các thắc mắc của người nộp thuế tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN |
Giám đốc một siêu thị lớn tại Hà Nội cũng cho biết, do sức mua sụt giảm, nên từ 2 năm nay, Ban Giám đốc không mở rộng thêm hệ thống siêu thị tại một số quận huyện của Hà Nội như kế hoạch đã đề ra. “Xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách hàng là một rào cản đối với việc sản xuất kinh doanh. Mặc dù lượng khách đến với siêu thị không giảm nhưng giá trị mua hàng trên mỗi hóa đơn lại có xu hướng giảm, chỉ tập trung tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của siêu thị cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, siêu thị cũng không dám có thể tiếp cận tín dụng từ một số ngân hàng.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cũng cho rằng, nền kinh tế phục hồi chậm, trong đó, khó khăn tác động lớn nhất đến doanh nghiệp là tổng cầu giảm, do vậy chưa tạo ra xung lực cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ của cả nước trong 7 tháng qua đạt 1.654 tỷ đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, nếu trừ đi mức tăng của lạm phát thì ước tổng mức bán lẻ chỉ tăng chưa đến 6%, mức tăng này tuy cao hơn 2 năm gần đây nhưng chỉ bằng một nửa so với giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng cao.
“Đặc thù của DN Việt Nam là vẫn dựa vào tín dụng rất nhiều, nhưng không ít trường hợp có đủ điều kiện vay vốn cũng không vay vì không biết để làm gì. Cũng vì thế nên dù chính sách tiền tệ đã rất nỗ lực và đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 -14% cả năm, nhưng từ đầu năm đến giờ mới tăng được 3,6%, mà chủ yếu chỉ tăng trong tháng 6 vừa qua. Với sức cầu yếu thì kỳ vọng cao nhất tăng trưởng tín dụng chỉ đâu đó quanh 10%”, ông Võ Trí Thành phân tích.
Băn khoăn điều kiện vay vốn
Theo TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chỉ có khoảng 32% DNNVV tiếp cận được vốn vay ngân hàng thường xuyên, khoảng 35% phản ánh khó tiếp cận, còn lại 33% không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Trong khi đó, việc huy động vốn trên thị trường như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động vốn thì phần lớn các DNNVV thường không có đủ điều kiện và uy tín.
Bên cạnh đó, các DNNVV cũng đang rất khó khăn do sự sụt giảm giá trị của tài sản bảo đảm là bất động sản khi giảm giá trị đến 20 - 50%. Các ngân hàng thường buộc DNNVV phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm để được duy trì hạn mức tín dụng hoặc được vay mới. Nhiều DNNVV cho biết: Đây là điều kiện rất khó khăn vì phần lớn tài sản của họ đã thế chấp hết cho ngân hàng. TS Phạm Ngọc Long cho biết: Ngân hàng quá thận trọng, co cụm, bảo thủ trong việc cấp vốn tín dụng cho các DNNVV; thủ tục vẫn còn phức tạp, khó đáp ứng đối với DNNVV, nhất là về tài sản bảo đảm và hệ số xếp hạng khách hàng khắt khe của ngân hàng là nguyên nhân khiến DNNVV không tiếp cận được vốn.
Báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 29/7 cho hay: Lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8%/năm theo quy định của NHNN. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 9 - 10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng: Mặc dù mặt bằng lãi suất chung có giảm từ cuối năm 2011 đến nay nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp, lãi suất của nợ cũ còn quá cao nhưng chưa được giảm nhiều.
Tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp và ngân hàng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mới đây, ông Doãn Văn Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng: Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đều gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh bất động sản, có 3 vấn đề mà Tập đoàn đang vướng nhất là: Giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư. Theo ông Phương, hiện quá trình tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng còn gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính của các dự án. Đồng quan điểm liên quan đến hỗ trợ vốn, ông Võ Trí Dũng, Tổng Giám đốc CTCP Đa Quốc Gia nêu thêm: Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp hiện rất khó khăn do khó đáp ứng đủ các điều kiện vay của ngân hàng.
M.Phương - H.Yên - H.Tuyết