Ông Nguyễn Trọng Điệp, quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Long An, cho biết: Áp dụng Hệ thống Intellect là bước ngoặt về phát triển công nghệ, quản lý đối với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Long An.
Theo ông Điệp, hệ thống này phát huy vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách giảm nghèo của chính quyền các cấp, gắn liền với hoạt động của Ngân hàng CSXH một cách thiết thực hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của Ngân hàng CSXH trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Hệ thống Intellect bảo đảm gần như đầy đủ các tính năng tiêu chuẩn đối với một ngân hàng hiện đại. Quy trình giao dịch hoàn chỉnh, quản lý chặt chẽ nguồn dữ liệu vào ra, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, rủi ro trong quá trình thao tác nghiệp vụ.
Áp dụng chương trình mới Intellect tại điểm giao dịch huyện Tân Trụ. |
Bên cạnh đó, tính đáp ứng, sẵn sàng hoạt động và khả năng linh hoạt cao, cung cấp các công cụ quản trị rủi ro hiệu quả như: hệ thống cảnh báo sớm các trường hợp nợ đến hạn phân kỳ, kỳ cuối...; ngăn chặn kịp thời các trường hợp một khách hàng vay tại nhiều phòng giao dịch (trong tỉnh và khác tỉnh)... Ngoài ra, các báo cáo cuối ngày, cuối tháng đều được hệ thống kết xuất tự động, chính xác, kịp thời, đầy đủ, giảm thiểu tối đa thời gian, xử lý số liệu báo cáo so với trước đây và tính chính xác của các mẫu báo cáo được đảm bảo. Đồng thời, cung cấp nhiều tiện ích mới cho khách hàng như: dịch vụ tài khoản, ký quỹ xuất khẩu lao động Hàn Quốc, chuyển tiền trong nước, dịch vụ kiều hối (Western Union)...
Riêng đối với người vay, họ được tiếp cận gần như đầy đủ các dịch vụ của một ngân hàng hiện đại mà không phải thay đổi “thói quen” giao dịch với Ngân hàng CSXH, vì phần lớn khách hàng của Ngân hàng CSXH đều là hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên Ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi khi tiếp cận các yếu tố mới. Song song đó, việc giao dịch tại xã được thực hiện theo quy trình giao dịch 1 cửa. Mỗi giao dịch viên vừa thực hiện thao tác trên máy tính, vừa thực hiện nghiệp vụ thu - chi tiền cho khách hàng, nên đảm bảo rút ngắn khoảng 40% thời gian giao dịch cho mỗi khách hàng.
Tuy nhiên, khi áp dụng hệ thống hiện đại hóa tin học Intellect, các phòng giao dịch trong toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Sang - Trưởng kế toán phòng giao dịch huyện Tân Trụ (Long An), cho biết, khi chuyển sang chương trình mới Intellect đơn vị gặp rất nhiều trở ngại như dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công Thương chuyển sang phần lớn là nợ xấu, khách hàng nhiều. Do vậy, việc tìm thông tin đầy đủ chuyển sang kỹ thuật mới rất khó khăn. Nhân viên ngân hàng rất vất vả khi tìm gặp khách hàng.
Theo Ngân hàng CSXH Chi nhánh Long An, ban đầu thực hiện hệ thống hiện đại hóa tin học, ngành cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng khách hàng cần phải bổ sung thông tin nhiều với trên 136.000 khách hàng, số lượng bản ghi lỗi phải chuẩn hóa khá lớn với 85.212 bản ghi lỗi, dữ liệu nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Kho bạc Nhà nước thiếu nhiều thông tin khách hàng; lịch sử giải ngân, thu nợ, thu lãi... ; Trình độ tin học của đa phần cán bộ nghiệp vụ tại các phòng giao dịch còn hạn chế, nên việc sửa các lỗi toàn vẹn dữ liệu chưa kịp thời, lúng túng trong việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến thiết lập môi trường làm việc cho tổ giao dịch, chia sẻ máy in...
Tuy vậy, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Long An đã tiến hành tập huấn, làm giàu dữ liệu ngay từ những ngày đầu triển khai. Quá trình thực hiện, Ban dự án liên tục có các văn bản chỉ đạo chính xác, kịp thời hướng dẫn các chi nhánh trong việc triển khai; cán bộ hỗ trợ của Ban dự án năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ chi nhánh giải quyết các tồn tại, vướng mắc nhanh chóng. Bên cạnh đó, tổ hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ tại chi nhánh được thành lập kịp thời; cán bộ chi nhánh có tinh thần trách nhiệm cao, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đồng lòng, quyết tâm trong quá trình thực hiện triển khai dự án.
Bài và ảnh: Thanh Bình