6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,52% so với năm 2013, chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô có nhiều cải thiện, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi thì nhiều khả năng năm 2014, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức trên 10%.
Nhu cầu vay vốn thấp do đầu ra khó
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Ðồng Tiến, những tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nên nhu cầu vay vốn giảm. Tính đến cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 3,52% so với năm 2013. So với chỉ tiêu định hướng cả năm 2014 tăng từ 12 - 14% thì mức tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng do có những nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế như: tổng cầu tăng chậm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp còn thấp do đầu ra khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp; sức mua chậm phục hồi, hàng hóa tồn kho tiêu thụ chậm...
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại phòng giao dịch VietinBank huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đại diện NHNN cho biết thêm, trưởng tín dụng yếu còn do một số nguyên nhân khác. Cụ thể, kinh tế thế giới chưa thật sự hồi phục, bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới cũng tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa được cải thiện.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 15/7, đại diện Hiệp hội DNNVV cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Đặc biệt là về thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, hàng tồn kho còn lớn, sức mua của thị trường tăng trưởng chậm. “Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu; có chính sách kích thích, tăng tổng cầu nội địa, khai thông nguồn vốn tín dụng cho đầu tư”, lãnh đạo Hiệp hội bày tỏ. Khảo sát của DNNVV Việt Nam cho hay: Có 42,6% số doanh nghiệp cho rằng, lãi suất ngân hàng hiện vẫn còn ở mức cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp; 22,44% số doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về thị trường tiêu thụ hàng hóa; 17,12% số doanh nghiệp gặp vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý, pháp luật.
Đề cập tới việc tăng trưởng tín dụng còn thấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lại có cái nhìn khả quan khi cho rằng: Nhiều năm qua, kinh tế Việt Nam được nhìn nhận phát triển theo chiều rộng, các doanh nghiệp thường sống nhờ vào nguồn vốn vay của ngân hàng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013. GDP đã tăng cao hơn năm ngoái mà chỉ số tiền đưa ra thị trường chỉ hơn 3%. “Như vậy, chúng ta đang điều chỉnh theo đúng định hướng, các doanh nghiệp đi vào thực lực, không sống dựa vào vốn tín dụng. Đây là thay đổi tư duy”, ông Kiên nhận định.“Dồn lực” cho tăng trưởng tín dụng
Kỳ vọng tín dụng tăng trên 10%
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), gốc của việc tăng trưởng tín dụng vẫn là sức cầu của nền kinh tế. Tổng cầu yếu, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khó khăn thì sẽ không có nhiều hoạt động mở rộng đầu tư. Có thể một số doanh nghiệp bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng để có quyết định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hay không thì họ phải chờ thời gian khi nền kinh tế hồi phục tốt hơn. Tuy nhiên, số này chỉ chiếm khoảng 30%, còn 70% số doanh nghiệp còn lại vẫn đang trong tình thế khó khăn và họ không dám nghĩ đến việc vay vốn ngân hàng hoặc không đủ điều kiện vay vốn.
“Như vậy, nếu không giải quyết bài toán tổng cầu, tín dụng không thể tăng mạnh. Hy vọng nền kinh tế ấm dần lên thì nhu cầu vốn cũng sẽ tăng khá hơn. Mặt khác, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường dồn vào những tháng cuối năm. Cầu tín dụng trong thời gian này sẽ được cải thiện. Tôi cho rằng, năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức từ 10% trở lên”, đại diện Vụ Tín dụng cho biết.
Để kích thích tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp đáng chú ý như thí điểm cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng, thí điểm cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp... Theo Phó Thống đốc Nguyễn Ðồng Tiến, đối với lĩnh vực bất động sản, chương trình sẽ giúp khơi thông dòng vốn, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng... Ðến nay, đã có 4 chuỗi liên kết được khởi tạo trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư là 7.778 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng (BIDV, SHB, Vietinbank) cam kết cho vay 6.149 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư.
Ðối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình cho vay thí điểm sẽ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mô hình cánh đồng lớn; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tính đến nay, đã có 10 doanh nghiệp với 11 dự án đầu tư đủ điều kiện được lựa chọn tham gia chương trình với số tiền các ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, MHB, Bắc Á) đã cam kết cho vay là hơn 2.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết thêm: Để khơi thông thị trường, liên quan gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nới một số quy định, như kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm; bổ sung thêm đối tượng được vay.
Minh Phương