Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng đã diễn ra sáng ngày 9/7, tại Hà Nội.

Con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,52% so với cuối năm 2013 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đang khiến dư luận băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 – 14% mà ngành ngân hàng đặt ra từ đầu năm. Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận: "So với chỉ tiêu đặt ra thì con số này hết sức khiêm tốn, tuy nhiên, mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra từ đầu năm có khả năng đạt được".

Người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích, diễn biến nhiều năm qua cho thấy, tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường tăng trưởng gấp đôi so với đầu năm. Và như vậy, với kết quả 6 tháng đầu năm nay vào khoảng 3,52%, nếu theo quy luật đó thì 6 tháng còn lại tín dụng sẽ tăng khoảng 7%, tính chung cả năm sẽ đạt trên 10%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh: AFP-TTXVN


“Tiêu dùng của chúng ta có cải thiện khá mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi thông thường, khi tiêu dùng, đầu tư được cải thiện thì tín dụng ngân hàng sẽ tăng. Hy vọng nhu cầu đầu tư trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ tăng lên để kích thích tăng trưởng tín dụng. Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra từ đầu năm là có nhưng có đạt được hay không lại phụ thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực trong 6 tháng cuối năm thì mới có thể đạt được mục tiêu này”, Thống đốc nói.

Trong giải pháp điều hành 6 tháng cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN vẫn không thay đổi. NHNN cho biết, để lưu thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...
 
Bên cạnh khó khăn liên quan đến tăng trưởng tín dụng, trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với một số vấn đề, cần được tập trung giải quyết. Cụ thể, theo NHNN, trong điều kiện thâm hụt ngân sách được mở rộng lên 5,3% GDP và khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tăng lên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực, bởi vậy không thể chủ quan với những diễn biến của lạm phát. Việc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ một mặt giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng dự trữ thanh khoản nhưng cũng có thể phát sinh khó khăn nếu các TCTD không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý.

Về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, tình hình xử lý nợ xấu có vẻ như chậm lại trong thời gian qua, nhưng sự chậm lại đó là để hoàn thiện các văn bản pháp lý và tinh thần chung từ nay đến cuối năm vẫn là tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro… Hiện tại, Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã mua được trên dưới 50.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch năm nay sẽ mua khoảng 70.000 – 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Thống đốc, việc mua nợ xấu là vấn đề quan trọng nhưng việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ đã mua lại là một vấn đề hết sức hệ trọng.

Cũng tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, từ trước tới nay mới tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Trong 6 tháng cuối năm này sẽ tái cấu trúc cả những ngân hàng thương mại cổ phần lớn.


Đỗ Huyền
Vốn ngoại 'chảy' mạnh vào thị trường chứng khoán

Mặc dù giá trị thị trường chứng chứng khoán quý II/2014 vẫn thấp hơn quý I, nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, giá trị cổ phiếu mua vào đạt hơn 16.331 tỷ đồng, cao hơn quý I/2014 khoảng 464 tỷ đồng; giá trị cổ phiếu bán ra chỉ hơn 11.190 tỷ đồng, thấp hơn quý I khoảng 3.800 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN