Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (Hose) quý II/2014, giá trị vốn hóa toàn thị trường tuy đạt 1.019.502 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn quý I/2014 khoảng 544 ngàn tỷ đồng. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6,034 tỷ chứng khoán (thấp hơn quý I khoảng 1,6 tỷ chứng khoán) với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng (thấp hơn quý I/2014 khoảng 31 ngàn tỷ đồng). Như vậy, bình quân một ngày khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 99 triệu chứng khoán với giá trị giao dịch hơn 1.640 tỷ đồng.
Nhìn các con số trên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế trong quý II của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, trong cuộc họp cổ đông của các công ty niêm yết vừa qua, rất nhiều công ty đã “khất nợ” trả cổ tức, thậm chí là không trả cổ tức, khiến nhiều cổ đông bức xúc. Mặt khác, tình hình Biển Đông cũng tác động không nhỏ đến tâm lí của các nhà đầu tư. Do đó, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán vẫn không cao so với quý I.
Tuy nhiên, bà Trần Anh Đào, Phó TGĐ Hose cho hay thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Bởi trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã liên tục cổ phần hóa và bán ra thị trường. Theo đó, trong quý II đã có hơn 52,573 triệu cổ phần được chào bán với số cổ phần bán được đạt hơn 36 triệu. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tham gia mạnh vào thị trường, chiếm 22% trong tổng số giao dịch toàn thị trường với xu hướng mua vào nhiều hơn bán ra. Cụ thể, giá trị cổ phiếu mua vào đạt hơn 16.331 tỷ đồng, cao hơn quý I/2014 khoảng 464 tỷ đồng; giá trị cổ phiếu bán ra chỉ hơn 11.190 tỷ đồng, thấp hơn quý I khoảng 3.800 tỷ đồng.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam |
Bà Trần Đào Anh cho biết thêm, khó khăn hiện nay là không thể quản lý được các doanh nghiệp niêm yết không trả cổ tức cho cổ đông theo đúng kế hoạch mà Đại hội cổ đông đã đề ra. Đây cũng là thực trạng chung mà rất nhiều doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sàn giao dịch đang gặp phải. Thực tế, do chưa có văn bản nào quy định xử phạt vấn đề trên nên Sở giao dịch cũng chỉ có biện pháp là gửi văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, quyền quyết định trả cổ tức vẫn thuộc về các doanh nghiệp. Chính vì vậy, mới đây Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bàn biện pháp giải quyết. Theo đó, dự kiến năm 2015 sẽ đưa vấn đề trả cổ tức vào chế tài để có thể xử phạt các công ty niêm yết nếu không thực hiện đúng quy định.
Hiện nay, sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh có 340 loại chứng khoán niêm yết. Trong đó, có 300 loại cổ phiếu và 40 loại trái phiếu, chứng chỉ quỹ.
Hải Yên