Khi kinh doanh thương quyền taxi bị thả nổi - Bài 1

Thị trường vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đang rất lộn xộn do số lượng xe lớn, nhưng chất lượng dịch vụ kém. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình vận tải này rất khó khăn do việc kinh doanh thương quyền taxi bị thả nổi.


DOANH NGHIỆP HƯỞNG LỢI, LÁI XE BẤT LỢI

Hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp taxi và lái xe taxi theo hình thức mua bán thương quyền là xu hướng phổ biến hiện nay đối với các doanh nghiệp taxi. Với cách kinh doanh này, cái lợi bao giờ cũng nghiêng về doanh nghiệp. Trong khi đó, lái xe taxi thì bị “bóc lột” thông qua việc nộp phí và người tiêu dùng gánh chịu chất lượng dịch vụ.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ bán thương quyền

Theo nhiều lái xe, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 - 8 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức bán thương hiệu. Cụ thể, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định để lập doanh nghiệp vận tải, sau đó thuê trụ sở, mua sắm tổng đài, thuê nhân công và “chạy vạy” giấy phép hoạt động. Còn với phương tiện, các doanh nghiệp chỉ cần lập dự án để vay vốn ngân hàng mua xe, sau đó thế chấp chính bằng xe hoặc kêu gọi các cổ đông góp vốn bằng chính xe gia đình. Đa phần các xe taxi do cá nhân tự bỏ tiền mua xe và mua thương hiệu.

Do việc bán thương hiệu tại Hà Nội diễn ra phổ biến, nên Hà Nội đang có quá nhiều hãng taxi hoạt động.

Để hoạt động theo hình thức thương quyền, hàng tháng, lái xe phải nộp cho các hãng một khoản tiền “dịch vụ”, đây chính là tiền mua thương hiệu, nhãn mác, lô gô, sau đó lái xe tự quản lý xe, doanh thu chia theo tỷ lệ 40/60 hoặc 50/50. Các hãng taxi lớn hiện nay như: Thủ Đô, Thanh Nga, Vinasun... với số lượng hàng trăm chiếc hoạt động theo hình thức này. Nếu các hãng không bán thương hiệu, huy động cổ đông bằng xe thì khó có thể đầu tư ban đầu số vốn lớn mua xe... Trong khi đó, kinh doanh thương quyền số đầu xe của các hãng càng tăng lên, thì khoản tiền dịch vụ thu được hàng tháng càng lớn.
Tuy nhiên, các lái xe chạy xe theo hình thức thương quyền thì luôn ở thế bất lợi. Các lái xe của Hãng taxi Thủ Đô cho biết: Hãng có khoảng 500 đầu xe, thời điểm hiện tại hầu hết là vốn góp của lái xe. Các lái xe phải nộp khoảng 1,4 triệu đồng/tháng tiền mua thương hiệu cho doanh nghiệp, mọi loại chi phí đầu vào, lái xe đều tự chi trả...

Còn lái xe Trần Văn Vinh của Hãng taxi Thăng Long cho biết: Từ năm 2013, anh vay mượn tiền để mua một chiếc Hyundai i20 của taxi Thăng Long. Chiếc xe này đời 2009, giá thị trường khoảng 250 - 260 triệu đồng, nhưng anh phải mua giá 330 triệu đồng, bởi phải cộng thêm tiền mua thương hiệu. Được biết, mức mua quyền thương hiệu của taxi Thăng Long nằm trong top trung bình trên thị trường taxi Hà Nội hiện nay, hãng taxi nào càng có thương hiệu, càng đông xe, thì tiền bán quyền sử dụng thương hiệu càng đắt.

Lái xe oằn lưng bị “chặt trên, chém dưới”

Lái xe Lương Quốc Vinh của Hãng taxi Thanh Nga cho hay: Các lái xe phải nộp phí đặt cọc 8 triệu đồng cho hãng cùng với giấy tờ bảo đảm, hãng giao xe cho chạy với tỷ lệ ăn chia 40/60. Tuy nhiên, lái xe chỉ được chia 40% doanh thu và phải chịu toàn bộ tiền bộ đàm, bến bãi, phí đổi phù hiệu, lô gô... Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần lái xe taxi ở Hà Nội hiện nay là lao động ngoại tỉnh, hợp đồng lao động ký giữa lái xe và hãng taxi chủ yếu là để hợp thức hóa khi cơ quan chức năng kiểm tra. Hầu hết, lái xe taxi không được nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... nên công việc rất áp lực.

Anh Lâm Văn Học ở Nam Định, có thâm niên 3 năm lái taxi cho một hãng taxi tại Hà Nội cho biết: Do anh không có tiền đầu tư mua xe nên đành chấp nhận lái thuê cho hãng. Công việc vất vả, áp lực về doanh số khiến anh luôn cảm thấy mệt mỏi. Một ngày chạy xe, thấp nhất anh phải đạt được 700.000 đồng thì mới đủ trang trải chi phí. Nếu đạt 1 triệu đồng/ngày thì với tỷ lệ ăn chia 50/50, sau khi nộp về cho công ty 50%, trừ khoảng 300.000 tiền xăng, “chạy quần quật”, anh cũng chỉ được bỏ túi được 200.000 đồng. Còn nếu muốn mua xe, thì công ty cũng không chấp nhận cho mua xe ngoài, phải mua xe công ty với giá bán cao hơn. Nếu trả tiền mua xe trọn gói thì giá bán cũng cao hơn khoảng vài chục triệu đồng, còn mua trả góp thì tiền lãi rất lớn.

Anh Học cho biết thêm: “Đừng tưởng mua xe rồi là “ngon”. Dù đỡ phải chịu áp đặt về doanh thu, nhưng hàng tháng ngoài tự trả xăng xe, mỗi xe còn phải nộp cho hãng từ 2 - 3 triệu đồng tiền điện đàm. Nói chung chỉ có chủ hãng là “khỏe”, khi có thương hiệu rồi, chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng”, kiếm tiền nhàn như không...”.

Trong khi đó, những người lái xe thuê cho hãng taxi như anh Lâm Văn Học để có được thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng thì phải chịu rất nhiều áp lực. Ngoài việc phải nộp tiền “điện đàm”, các lái xe phải tự đóng bảo hiểm, phải đối mặt với đủ chi phí phát sinh như: Va quệt giao thông, xe hỏng hóc, vi phạm luật...

Xem bài 2: Xe càng nhiều, dịch vụ càng kém
Tiến Hiếu
Khi kinh doanh thương quyền taxi bị thả nổi - Bài 2
Khi kinh doanh thương quyền taxi bị thả nổi - Bài 2

Theo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội hiện có 117 hãng taxi, với khoảng 17.000 xe và gần 20.000 lái xe hoạt động. Sự phát triển quá nhanh về số lượng xe đang làm nảy sinh nhiều bất cập, nhất là sự mất lòng tin của hành khách về đạo đức lái xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN