Áp lực “oằn lưng” lái xe, nhưng bị “chặt trên, chém dưới” đã dẫn đến chất lượng phục vụ của không ít lái xe taxi hạn chế và hệ quả là hành khách phải hứng chịu, giao thông thêm bức bối.
Thả nổi quản lý chất lượng
Tại bất cứ cổng bệnh viện, nhà ga, khách sạn, công viên nào ở Hà Nội hiện nay, người tham gia giao thông đều bị “bủa vây” bởi số đông taxi đủ loại. Cổng Bệnh viện Việt Đức (phố Phủ Doãn), Ga Hà Nội (phố Lê Duẩn), Công viên Thống Nhất (Trần Xuân Soạn)… luôn trong tình trạng “ken đặc” taxi. Người dân sống trên những tuyến phố này bức xúc vì luôn phải hít thở bầu không khí toàn khói bụi, hơi xăng của taxi.
Bát nháo nhất là tình trạng taxi "dàn trận" gây hỗn loạn giao thông trước cổng các bệnh viện. Chỉ cần lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường, dân phòng sở tại “lơ là”, ngay lập tức taxi đủ hãng ngang nhiên ùa tới, lấn chiếm lòng đường, dừng đỗ tùy tiện, chèo kéo, ngã giá với hành khách. Và khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, lái xe taxi rồ ga, đua nhau trốn chạy như “ong vỡ tổ”.
Chưa hết, tình trạng taxi gian lận giá cước và bắt chẹt hành khách cũng đang diễn ra phổ biến. Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: Qua đường dây nóng, Thanh tra giao thông nhận được nhiều phản ánh của hành khách về tình trạng bị lái xe taxi tự ra giá “bắt chẹt” sau khi chạy, mà không tính theo đồng hồ. Các sai phạm của hoạt động taxi không dễ xử lý, vì taxi “dù” quá nhiều, trừ khi bắt tại chỗ. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi nhuận, mà không coi trọng việc gìn giữ thương hiệu. Các doanh nghiệp này cho lái xe góp cổ phần, mượn tên hãng và hàng tháng đóng tiền quản lý phí, tiền bộ đàm... Sau đó, lái xe hoạt động ra sao, chất lượng dịch vụ thế nào thì doanh nghiệp lại thiếu quan tâm.
Theo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội hiện có 117 hãng taxi, với khoảng 17.000 xe và gần 20.000 lái xe hoạt động. Sự phát triển quá nhanh về số lượng xe đang làm nảy sinh nhiều bất cập, nhất là sự mất lòng tin của hành khách về đạo đức lái xe. Thống kê, có tới 80% lái xe taxi là người ngoại tỉnh, không được đào tạo bài bản, quy trình tuyển dụng đơn giản. Chưa kể đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng taxi, vi phạm Luật Giao thông đường bộ đang trở nên phổ biến…
Qua rà soát, số doanh nghiệp taxi tuy nhiều nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ: Doanh nghiệp có dưới 100 xe chiếm gần 60%, trên 100 xe chiếm 40%, chủ yếu là xe cũ và chậm được đổi mới. Bên cạnh các hãng taxi lớn như: Mai Linh, Thủ Đô, Vinasun… đã khẳng định thương hiệu, không thiếu doanh nghiệp chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ, làm ăn “chộp giật”, buông lỏng quản lý đào tạo, tuyển dụng, giám sát… lái xe.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng: Các cơ quan quản lý hiện nặng về thủ tục cấp phép, cấp phù hiệu, kiểm tra... mà chưa quan tâm đến bồi dưỡng đạo đức cho lái xe. Ông Hoàng Văn Mạnh cũng cho biết: Hiện có quá ít hãng taxi chấp hành các nội quy của hãng, không chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng phục vụ, mà chỉ chạy theo doanh thu. Đó là khoảng trống trong quản lý nhà nước hiện nay.
Bồi dưỡng đạo đức lái xe
Đến nay, việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho lái xe taxi được rất ít doanh nghiệp quan tâm. Trong khi đó, các trung tâm đào tạo cũng chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng lái xe cho học viên, mà ít quan tâm bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, còn các hãng taxi hiện vẫn chưa có quy định hay chế tài đủ mạnh để xử lý vấn đề này.
Hiệp hội taxi Hà Nội đã lập đường dây nóng 04.37710851 và 04.38525252 để hành khách kịp thời phản ánh những bất cập của lái xe taxi. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định: Nếu doanh nghiệp taxi nào bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng quy định về kinh doanh vận tải khách thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. |
Trước thực tế này, thay vì chờ đợi những động thái mới từ phía cơ quan quản lý để giữ thương hiệu và uy tín, một số doanh nghiệp taxi như Mai Linh, Thăng Long… đã tự tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức, văn hóa tham gia giao thông cho lái xe. Đây là cách làm hiệu quả, trong bối cảnh hoạt động taxi ở Hà Nội đang có nhiều “biến tướng”. Song, so với số lượng lớn các doanh nghiệp đang hoạt động thì vẫn chỉ như “muối bỏ biển”.
Qua tìm hiểu, các buổi tập huấn, bồi dưỡng đạo đức lái xe được các doanh nghiệp tổ chức theo kiểu “mạnh ai, nấy làm”, cốt để hợp thức hóa việc cấp chứng chỉ hành nghề cho lái xe, nên chỉ diễn ra từ 1 đến 2 ngày. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền các quy định về pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho lái xe. Tuy nhiên, kết quả sau tập huấn không có cơ quan chức năng nào thẩm định.
Do đó, theo ông Hoàng Văn Mạnh, cần phải có cơ quan quản lý nhà nước thống nhất nội dung về quy định bồi dưỡng đạo đức lái xe; đồng thời sau khi tập huấn phải có cơ quan sát hạch về chất lượng, mới cấp chứng chỉ hành nghề. Mấu chốt để xử lý hoạt động bát nháo của taxi ngoài chức năng của lực lượng chuyên ngành, các doanh nghiệp taxi phải quan tâm xây dựng thương hiệu, nhằm giữ uy tín với hành khách. Nếu không bản thân các hãng taxi sẽ tự bị đào thải vì hành khách không lựa chọn.