Khi chủ tịch xã làm tín dụng

Hơn một năm nay, tôi thấy chủ tịch UBND xã sâu sát hơn, tham gia các cuộc kiểm tra giám sát về sử dụng vốn vay. Đôi khi đã hết giờ làm việc, chủ tịch cũng tạo điều kiện lấy dấu ủy ban để hoàn thiện hồ sơ vay vốn”, ông Nguyễn Văn Canh, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã nhận xét như vậy về việc thí điểm chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện.


Chủ tịch “hai trong một”


Sau hơn 10 năm hoạt động, NHCSXH đã xây dựng được một mô hình đặc thù triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đó là các ban đại diện HĐQT ở 3 cấp: trung ương tỉnh, huyện với sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể và UBND cùng cấp. Một số khâu nghiệp vụ trong quy trình tín dụng cũng được ủy thác với các cấp hội đoàn thể. Nhờ đó, NHCSXH đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách hiệu quả nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

 

Cán bộ NHCSXH giao dịch với người dân tại xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Ngọc Tú

 


Cách đây hơn một năm, thực hiện Công văn số 990/VPCP-KTTH ngày 31/1/2013 của Văn phòng Chính phủ, NHCSXH đã triển khai thí điểm bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện tại 3 tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An. Tại Bắc Giang, sau 1 năm thực hiện thí điểm, chủ trương này đã phát huy hiệu quả khi tăng tính xã hội hóa tín dụng chính sách, nâng cao nhận thức của cấp ủy và chính quyền cơ sở về hoạt động tín dụng ưu đãi, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong hoạt động bình xét vay vốn, thu hồi nợ, xử lý nợ... Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tại Bắc Giang đã nhận xét: Sau một năm thí điểm đã cho thấy hệ thống quản lý nguồn vốn chính sách đã tốt hơn, người dân được phục vụ nhanh hơn, hoạt động của Ban đại diện cấp huyện cũng thực chất hơn.

Theo thống kê của NHCSXH chi nhánh Bắc Giang, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đến hết tháng 3/2014 đạt 2.724 tỷ đồng, tăng 145 tỷ đồng, bình quân đạt 21 triệu đồng/hộ, tăng 2 triệu đồng/hộ so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ, chỉ chiếm tỷ lệ 0,33% tổng dư nợ. Kết quả này góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 10,44%.


Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang cũng đã kiện toàn Ban giảm nghèo cấp xã với việc chủ tịch UBND cấp xã làm Trưởng ban. Nhờ đó các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Công tác giải ngân cho vay vốn gắn với hoạt động khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Ông Bùi Văn Hạnh khẳng định: “Tỉnh đã xác định phát triển kinh tế, an sinh xã hội và môi trường là ba vấn đề trọng tâm, chủ tịch xã phải trực tiếp điều hành bộ máy, tránh tư tưởng chủ tịch xã nhiều việc quá”.


Cùng vào cuộc


Nhờ quán triệt tinh thần trên nên các chủ tịch xã đã vào cuộc rất hào hứng. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng thừa nhận: “Trước kia việc nắm bắt tình hình, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của chủ tịch xã rất khiêm tốn nên chưa thực hiện tốt việc gắn các hoạt động cho vay với các mô hình phát triển kinh tế, khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn; chưa phát huy hết vai trò của UBND xã trong quản lý vốn vay”.

 

Chị Nguyễn Thị Hương (trái), thuộc diện hộ nghèo ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Nhưng sau một năm thí điểm, các chỉ tiêu về tín dụng chính sách trên địa bàn xã đều hoàn thành tốt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 7,94% xuống còn 6,35%, hộ cận nghèo từ 9,2% xuống còn 8,25%. Chủ tịch và cả UBND xã lần đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ theo nội dung Nghị định 78 trong thực hiện nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.


Chia sẻ kinh nghiệm “làm tín dụng” của mình, ông Phạm Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn (huyện Lạng Giang), thổ lộ: “Xã còn nhiều khó khăn, có địa bàn rộng với 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, nên bản thân tôi nhận thấy đây là công việc hết sức quan trọng, cần phải quản lý tốt để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích”. Kinh nghiệm của ông Trung là việc bình xét được đặt lên hàng đầu để đảm bảo dân chủ, tiếp đó là thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi gốc và lãi đúng quy định.


Cũng đồng quan điểm này, ông Giáp Huy Thường, Chủ tịch UBND xã miền núi Thanh Lâm, huyện Lục Nam cho rằng, cần phải quán triệt, tuyên truyền để các ngành và nhân dân thấy được ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND xã đối với công tác quản lý các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát từ cơ sở; chỉ đạo gắn kết chương trình tín dụng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, khuyến ngư...


Có lẽ nhờ hiệu quả tích cực và rõ rệt sau một năm triển khai thí điểm, nên tất cả các ý kiến tại hội nghị tổng kết vừa được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức đều có chung kiến nghị là tiếp tục đưa chủ trương thí điểm thành chính thức và mở rộng ra toàn quốc. Như ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH đã nhận xét: “Chưa thấy hội nghị nào mà các ý kiến thống nhất cao như vậy!”.


Ngọc Tú

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN