Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực tiếp xuống hiện trường thu thập thông tin. Đồng thời đề nghị Tổng Cục thủy sản, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), Cơ quan Thú y vùng II hỗ trợ tìm hiểu, xác định rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhằm ổn định tình hình sản xuất và tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã thực hiện đợt quan trắc đột xuất vùng nuôi hàu thuộc huyện Tiên Yên vào ngày 21/4, nhận thấy các thông số về môi trường nước như: nhiệt độ, DO, pH, độ kiềm, N-NH4+, N-NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S, COD, sắt tổng số, TSS... đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ nói chung và một số chỉ tiêu có giá trị nằm trong khoảng giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10 MT: 2015/BTNMT.
Với các giá trị của 13 chỉ tiêu môi trường phân tích tại thời điểm ngày 21/4 nêu trên có thể thấy yếu tố môi trường không tác động bất lợi tới thủy sản nuôi trồng, ngoại trừ độ mặn tương đối cao (29-30‰) đạt ngưỡng phù hợp giới hạn trên mặc dù vừa có cơn mưa lớn xảy ra.
Còn theo kết quả xét nghiệm về bệnh học của Cơ quan Thú y vùng II lấy mẫu vào ngày 21/4, đã phát hiện thấy 3/3 mẫu dương tính với vi khuẩn V.parahaemolyticus và V.vulnificus. Tuy nhiên, Quảng Ninh sẽ không phải công bố dịch vì theo Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 10/5/2016, bệnh trên hàu cửa sông chỉ có 1 bệnh là Perkinsus phải công bố dịch.
Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Yên, từ đầu tháng 3, các bè nuôi trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng hàu chết rải rác. Tuy nhiên, từ ngày 10-14/4, tỷ lệ hàu chết tăng cao, lên đến 70-80% (ngoại trừ một số bè nuôi tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên chết từ 25-30%). Khối lượng hàu chết ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch đạt khoảng 5.460 tấn/7.200 tấn (chiếm 75%), ước thiệt hại khoảng 82 tỷ đồng.
Ngoài huyện Tiên Yên, hiện thị xã Quảng Yên, khu vực cửa sông Vân Đồn (giáp huyện Tiên Yên) và một số điểm ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đang có hiện tượng hàu chết hàng loạt, dao động trong khoảng 25-80%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục cử đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường thu thập thông tin và lấy mẫu.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, để giảm thiểu thiệt hại, tránh ảnh hưởng đến vùng nuôi thủy sản, các địa phương có hiện tượng hàu chết phải nhanh chóng lập biên bản xác định mức độ thiệt hại; đưa toàn bộ các dây hàu bị chết lên bờ, rắc vôi xử lý; ngưng thả nuôi mới...