Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại

Đến nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) nước ngoài đóng tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng từ vụ gây rối vào giữa tháng 5 vừa qua đã hoạt động bình thường trở lại. Có được kết quả này là nhờ vào sự hỗ trợ tối đa, nhiệt tình của Trung ương và chính quyền địa phương với nhiều giải pháp kịp thời.


Doanh nghiệp đã ổn định sản xuất


Đến ngày 29/5, việc khắc phục hậu quả của các vụ gây rối tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả tích cực. Tính đến thời điểm này, 90% DN đã ổn định sản xuất, chỉ còn khoảng 6 DN đang cố gắng khắc phục hậu quả sớm nhất để hoạt động trở lại.

 

Ngành thuế, hải quan các tỉnh phía Nam làm việc liên tục để giúp các DN bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả.


Ông Giang Chí Minh, Hội trưởng chi hội Đài thương tại Đồng Nai cho biết: Sự cố vừa qua đã có hơn 131 DN Đài Loan bị tổn thất. Trong đó, có khoảng 80% tổn thất nhẹ, 10% tổn thất nặng, 4% DN bị đốt. Tuy nhiên, sau sự việc này, lãnh đạo tỉnh cùng với Hội Đài thương đã đến thăm và động viên các DN, Cục Hải quan cũng đã đến các công ty làm thủ tục để hỗ trợ DN.


Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, Bình Dương có khoảng 44 DN bị thiệt hại vì nhà xưởng bị đốt. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các DN đã hoạt động trở lại bình thường và đều bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.


Còn theo thống kê của Ban quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), trên địa bàn thành phố chỉ có 32 DN FDI bị thiệt hại về tài sản. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN của Hepza cho biết: So với các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, số DN cũng như mức độ thiệt hại của các DN FDI đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không nhiều. Tuy nhiên, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% DN bị ảnh hưởng trên địa bàn đã ổn định sản xuất.


Nhiều hỗ trợ về thuế và hải quan


Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: Có 8/32 DN FDI bị thiệt hại trên địa bàn vẫn còn nợ thuế và các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước (tính đến ngày 30/4/2014). Các DN này đã được hướng dẫn làm thủ tục khoanh nợ trong khi chờ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có hướng dẫn cụ thể về thời gian, số thuế được gia hạn. Có 10/32 DN chậm nộp hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh trong tháng 4 phải nộp trong tháng 5 (hạn cuối cùng là ngày 20/5) cũng được cơ quan thuế khoanh lại.


“Tuy nhiên, hiện nay, có không ít DN tại thành phố vẫn băn khoăn về việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, xác định chi phí đối với phần bị thiệt hại. Mặt khác, lại có nhiều DN trên địa bàn thành phố, kể cả DN bị thiệt hại lẫn DN không bị ảnh hưởng bởi sự cố đêm 13 và ngày 14/5, có quan hệ giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, nguyên liệu với các DN FDI bị thiệt hại tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nên mức độ ảnh hưởng thiệt hại của các DN vẫn chưa thể cân đo đong đếm được”, bà Nga cho biết thêm.


Trong khi đó, ngành thuế các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lại cho rằng, công tác hỗ trợ DN bị thiệt hại hiện vẫn khó khăn nhất là ở khâu xác định đối tượng, mức độ thiệt hại và thẩm định thiệt hại bởi mỗi tỉnh lại có một cách xác định thiệt hại khác nhau.


Ông Nguyễn Văn Ngàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho hay: Hiện nay, Cục vẫn còn lúng túng trong việc xác định cơ quan đầu mối để đứng ra giải quyết vụ việc. Quan trọng nhất là xác định thiệt hại để có hướng hỗ trợ cụ thể hơn.Vì vậy, trước mắt, đối với DN trong khu công nghiệp, để xác định thiệt hại, chúng tôi đã hướng dẫn DN tự kê khai, sau đó Cục Thuế dự và sẽ chờ thẩm định của Sở Tài chính, ban quản lý khu công nghiệp. Còn đối với DN nằm ngoài khu công nghiệp sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.


Cũng đề cập đến những khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại của các DN tại Bình Dương nhưng ông Huỳnh Đình Trí, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo để xác định mức độ thiệt hại. “Theo đó, chúng tôi sẽ xác định thiệt hại qua hai kênh và giải quyết theo hai hướng. Một là qua công ty bảo hiểm đền bù, hai là qua Sở Tài chính thẩm định và hỗ trợ cho DN”, ông Trí cho biết.


Không chỉ có những biện pháp hỗ trợ thuế cho DN, để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, mới đây, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (Hepza) TP Hồ Chí Minh đã làm việc với một số DN kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và đưa ra hướng xử lý. Theo đó, sử dụng một phần Quỹ duy tu mà trước đây các DN trong khu chế xuất - khu công nghiệp nộp cho Hepza để hỗ trợ cho DN bị đập phá xây dựng lại nhà xưởng.


Mặt khác, ngành hải quan các tỉnh đã chủ động tạo điều kiện tốt nhất cho các DN bị thiệt hại. Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai cho biết, với những trường hợp DN bị hỏng phần mềm, mất chữ ký số và con dấu cũng như hồ sơ bị đốt cháy, hải quan sẽ hướng dẫn để DN được gia hạn nộp thuế. “Các DN nên yên tâm khi xuất nhập khẩu bởi hải quan sẽ làm việc cả thứ 7 và chủ nhật để hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN”, theo ông Bình.

 

Mới đây, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các tỉnh thực hiện giải pháp hỗ trợ cho DN bị thiệt hại. Theo đó, gia hạn toàn bộ số tiền thuế phát sinh đến thời điểm 30/4/2014 chưa nộp ngân sách của DN liên quan đến cơ sở bị thiệt hại nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại; thực hiện miễn, giảm thuế nhập khẩu hàng hóa cho DN; thực hiện giảm 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường...


Hoàng Tuyết - Hoàng Dương

Bảo đảm môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài
Bảo đảm môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài

Đó là cam kết của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại buổi gặp gỡ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 30/5 tại TP.HCM sau khi xảy ra vụ gây rối ở Bình Dương vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN