Đó là cam kết của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại buổi gặp gỡ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 30/5 tại TP.HCM sau khi xảy ra vụ gây rối ở Bình Dương vừa qua.
Hỗ trợ kịp thời
Mục đích của buổi gặp gỡ đối thoại này là nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khắc phục thiệt hại, tổn thất do hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai trong thời gian qua. Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương với những hành động kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ rất kịp thời để giúp các doanh nghiệp nước ngoài phục hồi sản xuất. |
Ông Theng Bee Han, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Malaysia cho rằng: “Khi xảy ra tình hình phá rối tại một số khu công nghiệp, phía Maylaysia có 11 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi rất cảm kích khi nhận được sự giúp đỡ, bảo vệ từ các công nhân Việt Nam không để nhà máy bị phá hoại. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi hồi phục, yên tâm sản xuất”.
Trong công văn số 3758/VPCP - KHTH của Văn phòng Chính phủ ban hành vào ngày 26/5, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp và giao cho Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương thực hiện như: Miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu của doanh nghiệp để phục vụ cho việc sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư hại, tổn thất; giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị thiệt hại; chưa kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp bị thiệt hại để doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh… |
Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp thắc mắc về việc trả tiền lương cho người lao động theo công văn số 3758/VPCP - KHTH của Văn phòng Chính phủ trong những ngày ngừng việc do xảy ra tình trạng gây rối. Các doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi nếu như phải trả tiền lương cho công nhân vào những ngày ngừng việc này. Đó là chưa kể đến những thiệt hại khác do nhà máy không hoạt động. “Chúng tôi có nhận được công văn 3758. Tuy nhiên, còn nhiều điểm chưa rõ do văn bản được ghi bằng tiếng Việt. Chúng tôi rất mong được các cơ quan chức năng Việt Nam trả lời và giải thích cụ thể những điểm chúng tôi chưa rõ” - ông Hứa Ngọc Lâm, Chủ tịch danh dự Chi hội thương gia Đài Loan - tỉnh Bình Dương cho biết.
Trả lời thắc mắc của các đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, cho biết: “Có thể ngay lúc này các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được văn bản số 6642 của Bộ Tài chính với 9 giải pháp hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp theo tinh thần của công văn 3758 như: Khoanh thuế, giảm, miễn thuế, hoàn thuế cho doanh nghiệp... với mục đích hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khắc phục những tổn thất và phục hồi nhanh nhất. Đối với việc chi trả tiền lương cho công nhân, các doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh trở lại sẽ chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động không làm việc trong những ngày từ 12/5 đến khi trở lại làm việc (trước ngày 25/5) và hoạch toán số tiền này vào chi phí. Sau đó sẽ được trừ khi xác định khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Phụng, căn cứ vào công văn 3758, UBND các tỉnh sẽ tạm ứng từ ngân sách địa phương để xử lý khoản tiền lương, tiền công cho người lao động tại doanh nghiệp phải ngừng sản xuất để doanh nghiệp có đủ khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh trong tháng 6.
Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:
Kiên quyết xử lý đơn vị gây khó khăn cho doanh nghiệp
Tỉnh Bình Dương đã thành lập “Đoàn giải quyết các thiệt hại cho doanh nghiệp”. Chúng tôi đảm bảo rằng, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp của quốc gia, vùng lãnh thổ nào, doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Nếu doanh nghiệp phát hiện đơn vị nào gây khó khăn cho doanh nghiệp thì có thể thông báo cho chúng tôi, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những đơn vị đó. Có thể nói, sau vụ việc vừa qua, lòng tin của các doanh nghiệp có phần bị giảm sút nhưng chúng tôi tin rằng Bình Dương sẽ lấy lại lòng tin của các doanh nghiệp và Bình Dương vẫn là mảnh đất đầu tư an toàn nhất. Ngày 4/6 tới đây, chúng tôi sẽ trao 50 giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:
Cam kết đảm bảo môi trường đầu tư an toàn
Chúng tôi cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự. Thành phố đã có những chỉ đạo rất kịp thời đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và người nước ngoài đang đầu tư sinh sống tại thành phố. Tất cả vụ việc đáng tiếc xảy ra vừa qua có nguyên nhân do đất nước chúng tôi bị xâm phạm chủ quyền. Tôi khẳng định, Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư an toàn nhất. Bởi trong thời kỳ khó khăn nhất, Việt Nam vẫn đảm bảo được môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài |
Đảm bảo môi trường đầu tư
Trong buổi đối thoại, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, sẽ yêu cầu các cơ quan thuế tại các địa phương hỗ trợ tối đa trong việc cung cấp các dữ liệu để hoạt động của các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại bình thường.
Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp cũng yêu cầu chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp có thể thành lập những phòng, ban, đội bảo vệ công ty để có thể tự bảo vệ tài sản của mình. Về vấn đề này, đại tá Hồ Văn Mười, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư cho biết: “Chính phủ đã có Nghị định 73/2001, Nghị định 06/2013 về quy định bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, các doanh nghiệp nước ngoài cần tìm hiểu. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương phải đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngay trước mắt, chúng tôi rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp trong việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp bị mất trong thời gian sớm nhất và làm tốt công tác tuyên truyền đến những người lao động tại các nhà máy”.
Ngoài ra, các Hiệp hội doanh nghiệp cũng yêu cầu các tỉnh cần thiết lập đường dây nóng với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý khi xảy ra những tình huống phức tạp. Nhiều đại diện Hiệp hội cũng cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông Theng Bee Han kiến nghị: “Chúng tôi rất cần những văn bản chính thống từ Nhà nước Việt Nam về những gì đã làm được để đảm bảo môi trường đầu tư. Từ đây, chúng tôi có cơ sở để trả lời cho các doanh nghiệp Malaysia đang quan tâm đầu tư tại Việt Nam”.
Anh Đức - Đan Phương