Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đến ngày 15/10, kết quả điều tra diện tích dừa nhiễm mới sâu đầu đen của huyện Chợ Gạo ở các xã Xuân Đông, Hòa Định, An Thạnh Thủy là 245,61 ha với 620 hộ có vườn dừa bị nhiễm, tỷ lệ hại là 5 - 10%. Diện tích nhiễm nhẹ có 105,66 ha, diện tích nhiễm trung bình có 61,88 ha, diện tích nhiễm nặng có 78,07 ha.
Tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, hộ ông Lê Văn Sáng đang cho máy Kobe vào chặt bỏ những cây dừa lâu năm đã bị sâu đầu đen ăn hết lá chỉ còn trơ trọi các cọng dừa. Ông Sáng cho biết, vườn dừa của ông có 2 ha mà sâu đầu đen ăn gần hết các cây dừa lâu năm; còn những cây dừa mới trồng vài năm gần đây cũng bị sâu tấn công nhưng chưa ăn trụi hết lá thì ông phun thuốc để bảo vệ. Một số vườn dừa xung quanh cũng bị sâu đầu đen phá hại.
Để khống chế sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện, xã về tình hình dịch hại sâu đầu đen cùng các biện pháp phòng chống; tăng cường tập huấn, phát tờ rơi về quy trình phòng chống sâu đầu đen hại dừa.
Bà Lê Trang Thị Kim Ngân, công chức địa chính - nông nghiệp - môi trường xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND xã có phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức những cuộc hội thảo hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị sâu đầu đen xảy ra. Trong nội dung tuyên truyền, người dân được hướng dẫn cách phun thuốc cũng như cách nhận biết sâu đầu đen.
Ngoài ra, UBND xã cũng thành lập 6 tổ xung kích, trong đó cấp ủy phụ trách địa bàn làm tổ trưởng để xuống từng hộ dân bị thiệt hại nắm rõ tình hình, tâm tư, nguyện vọng cũng như phát tờ rơi tuyên truyền cũng như làm biên bản cho người dân cam kết làm theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp gồm: phải tiêu hủy những lá do sâu đầu đen bỏ để tránh lây lan trên diện rộng cũng như phun thuốc phòng trừ.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp vận động người dân phun xịt những vườn dừa bị nhiễm nhẹ; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa có sâu đầu đen gây hại nặng, không có khả năng phục hồi. Theo thống kê, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với cán bộ tổ xung kích của UBND xã vận động nông dân đốn bỏ diện tích dừa bị thiệt hại nặng không có khả năng phục hồi tổng cộng 7,72 ha/1.427 cây tại hai xã Xuân Đông, Hòa Định. Đồng thời, cán bộ của trung tâm đã phối hợp các tổ xung kích của UBND xã vận động nông dân ra quân phun xịt được 79,6 ha/226 hộ.
Ông Trần Thanh Mỹ, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trao đổi, trước tình hình diễn biến phức tạp sâu đầu đen trên vườn dừa, trung tâm đã mở các cuộc hội thảo hướng dẫn nông dân cách nhận biết triệu chứng gây hại của sâu đầu đen để nông dân nhận biết cùng cách phòng trừ cho đúng.
Hiện nay, trung tâm đã làm tờ trình để gửi UBND huyện Chợ Gạo cùng cơ quan chức năng cấp tỉnh để có phương hướng hỗ trợ cho nông dân trồng dừa. Trung tâm đề nghị hỗ trợ kinh phí mua thuốc trừ sâu để dập dịch cùng chi phí hỗ trợ nông dân cắt tỉa nhánh nhằm mục đích diệt con nhộng, con bướm, còn lại sẽ phun phòng trừ những con sâu non đạt hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo còn phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ; trong đó có quản lý đối tượng sâu đầu đen hiệu quả tại một số vườn dừa ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo bước đầu có kết quả khả quan.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo Nguyễn Thanh Liêm cho biết, để khống chế tác hại của sâu đầu đen trên vườn dừa đạt hiệu quả, đơn vị đề nghị UBND huyện Chợ Gạo hỗ trợ kinh phí để nông dân tiếp tục phòng trừ sâu đầu đen. UBND các xã có sâu đầu đen phá hại tăng cường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tiếp tục vận động người dân cắt tỉa tàu dừa đem tiêu huỷ trước khi phun xịt để việc phòng trừ mang lại hiệu quả cao; đốn bỏ cây dừa bị nhiễm bệnh nặng không có khả năng phục hồi đem tiêu huỷ để tránh lây lan...
Tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay đạt 21.654 ha, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm.
Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm. Do đó, việc tập trung khống chế, tiêu diệt sâu đầu đen trên vườn dừa là rất cần thiết để bảo vệ vườn dừa trong bối cảnh việc thúc đẩy ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới.